Sự ra đời và phát triển của công nghệ blockchain đã mở ra một xu hướng mới cho nhiều lĩnh vực. Cùng theo dõi bài viết để tìm hiểu công nghệ blockchain dùng để làm gì nhé!
Blockchain là gì?

Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Trong mỗi khối chứa một hàm băm mật mã học, mã thời gian và dữ liệu giao dịch liên kết với khối trước đó. Khi mỗi khối phía sau đều chưa thông tin khối phía trước thì chúng sẽ tạo thành một chuỗi chứng minh dữ liệu giao dịch tồn tại khi có thêm bản ghi dữ liệu của khối mới. Do đó, blockchain có khả năng chống lại sự thay đổi của dữ liệu. Một khi dữ liệu đã được ghi lại thì không có cách nào thay đổi được.
Blockchain ra đời khi nào?
Năm 2008 là năm đánh dấu sự ra đời của công nghệ blockchain (tên ban đầu là block chain) bởi một người, một nhóm người hoặc một tổ chức ẩn danh có tên Satoshi Nakamoto. Những năm sau đó, blockchain đóng vai trò như một cuốn sổ cái uy tín và đáng tin cậy cho tất cả các giao dịch. Với mạng lưới ngang hàng và hệ thống dữ liệu phân cấp, Bitcoin blockchain được quản lý hoàn toàn tự động.
Việc phát minh ra blockchain đã giúp Bitcoin trở thành loại tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên giải quyết được vấn đề double-spending (chi tiêu gian lận khi 1 lượng tiền được dùng 2 lần). Từ đó về sau, công nghệ này của Bitcoin đã trở thành nguồn cảm hứng cho các lĩnh vực khác áp dụng để chống lại sự gian lận, bảo mật giao dịch.
Phân loại
Hệ thống blockchain phân thành 3 loại chính:
- Public (công cộng): đây là những dự án mã mở nguồn và mọi giao dịch diễn ra trên chuỗi khối đều là công khai. Người dùng có quyền ghi chép, chỉnh sửa dữ liệu nhập vào khối thông tin. Tất cả mọi người tham gia ở đây với tư cách là thợ đào, nhà phát triển hay thành viên trong cộng đồng ủng hộ đều có thể tra cứu thông tin chi tiết của mỗi giao dịch.
- Private (riêng tư): người dùng cần được chấp thuận để gia nhập hệ sinh thái và chỉ được phép đọc thông tin.
- Permissioned: cũng thuộc một dạng private nhưng người tham gia mạng lưới được cung cấp một số tính năng đặc quyền khác tùy thuộc vào quyền quyết định của bên thứ 3.
Các phiên bản của công nghệ blockchain
Cho tới nay, đã có các phiên bản blockchain 1.0 và 2.0 và 3.0:
1. Blockchain 1.0
Blockchain 1.0 là phiên bản đầu tiên và được áp dụng công nghệ sổ cái phi tập trung (Distributed Ledger Technology) cho tiền mã hóa. Chính vì vậy, các giao dịch tài chính trên blockchain hoặc sổ cái phi tập trung (DLT) đều được xử lý nhanh chóng và minh bạch.
Đôi khi, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Bitcoin và blockchain là một. Nhưng thực tế, bitcoin chỉ là ví dụ điển hình nhất của phiên bản blockchain 1.0 này. Hiện tượng Bitcoin trở nên phổ biến và dần trở thành xu hướng trong lĩnh vực tiền mã hóa.
2. Blockchain 2.0
Phiên bản blockchain 2.0 được phát triển nhằm mở rộng quy mô của và đưa vào sử dụng trên các ứng dụng tài chính thị trường. Smart contract (hợp đồng thông minh) đánh dấu bước tiến của mô hình này, tất cả các tài sản và hình thức giao dịch có liên quan đến thỏa thuận hay hợp đồng đều có thể sử dụng. Nền tảng này vận hành hoàn toàn tự động, phi tập trung, phi trung gian, điều kiện thi hành được xác lập trước cũng như quá trình xác nhận đều phải thực hiện đúng mọi nguyên tắc của hợp đồng.
3. Blockchain 3.0
Blockchain 3.0 đã vượt qua giới hạn của tài chính và bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực khác như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật. DApp (Decentralized Application) của phiên bản blockchain 3.0 là các phần mềm được triển khai hoàn toàn độc lập và không nằm trên một máy chủ nhất định, mã của nó chạy trên một mạng ngang hàng (Peer – to – Peer). Mỗi DApp sở hữu giao diện người dùng được lưu trữ trên các kho lưu trữ phi tập trung và được viết bằng bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào.
Cấu trúc công nghệ blockchain

Công nghệ Blockchain có nhiều điểm tương đồng với cơ sở dữ liệu, chỉ khác biệt ở việc kết hợp giữa các cơ sở dữ liệu với nhau. Để hiểu rõ về blockchain, cần hiểu rõ về: chuỗi khối (the blockchain), phân tán đồng đẳng (distributed), tính toán tin cậy (trusted computing), hợp đồng thông minh (smart contract) và các thuật toán đồng thuận. Những mô hình tính toán này là nền tảng cho sự ra đời các ứng dụng phân tán khác.
1. Chuỗi khối (the blockchain)
Mỗi chuỗi khối được xem như một nơi chứa và lưu trữ các dữ liệu bán công cộng trong một không gian chứa hẹp (khối). Bất kỳ người ai cũng có thể xác nhận và kiểm tra việc bạn nhập thông tin vào vì khối chứa có chữ ký của bạn. Nhưng chỉ duy nhất bạn (hoặc một chương trình) có thể thay đổi dữ liệu của khối vì bạn chính là người cầm chiếc chìa khóa mở cửa cho dữ liệu đó. Chính vì vậy, chuỗi khối có quá trình hoạt động giống như một cơ sở dữ liệu, ngoại trừ header (thông tin được lưu trữ) được công khai.
Mỗi dữ liệu lưu trữ có thể là một giá trị nhất định hoặc một số dư tiền mã hóa. Từng chuỗi khối hoạt động như một hệ thống lưu chuyển giá trị thay thế mà không có một quyền lực tập trung hay bên thứ ba nào xen vào. Nó được dựa hoàn toàn vào quyền công khai/bí mật, nhìn thì công khai nhưng kiểm soát thì bí mật.
2. Phân tán đồng đẳng (distributed)
Ngược lại với mô hình cổ điển về cơ chế đồng thuận tập trung, phân tán đồng đẳng là một cơ sở dữ liệu tập trung được dùng để quản lý việc xác nhận giao dịch. Một sơ đồ phân tán đồng đẳng chuyển giao quyền và sự tin tưởng cho một mạng lưới phân tán đồng đẳng ,đồng thời cho phép các nút của mạng lưới đó lưu trữ các giao dịch trên một khối công cộng, tạo nên một chuỗi duy nhất: chuỗi khối (blockchain).
Các khối kế tiếp chứa một dấu tay độc quyền được gọi là “băm” của mã trước nó và mã hóa (thông qua hàm băm) được lập trình để đảm bảo tính xác thực của nguồn giao dịch, lược bỏ sự cần thiết của một trung gian tập trung. Nhờ vào sự liên kết của mã hóa và công nghệ blockchain đảm bảo rằng sẽ không có một giao dịch được lưu trữ lại tới hai lần.
3. Hợp đồng thông minh (smart contract)
Hợp đồng thông minh đóng vai trò trong quan trọng việc xây dựng nên các ứng dụng phi tập trung. Hợp đồng thông minh giúp quản lý bằng khế ước đối với mỗi giao dịch giữa hai bên có liên quan hay nhiều hơn có thể được xác minh theo thứ tự thông qua chuỗi khối thay vì một bên trung gian cụ thể. Nó không cần dựa vào một cá nhân hay một tổ chức trung gian nào bởi các bên tham gia có thể đồng thuận lẫn nhau, đưa ra các điều khoản và thực thi sự đồng thuận đó bằng chương trình và điều kiện. Từ đó, tiền sẽ tự động chuyển thẳng khi đáp ứng đủ điều kiện.
4. Tính toán tin cậy (trusted computing)
Khi kết hợp các nền tảng đằng sau của mỗi chuối khối, cơ chế đồng thuận phi tập trung và hợp đồng thông minh sẽ hỗ trợ cho việc truyền bá các nguồn lực và giao dịch trên một mặt phẳng theo một cách ngang hàng. Trong quá trình thực hiện, chúng chấp thuận để các máy tính tin tưởng lẫn nhau ở một mức độ. Tính toán tin cậy giúp xác nhận giao dịch minh bạch, mỗi khối ngang hàng đối chiếu dữ liệu lẫn nhau.
5. Các thuật toán đồng thuận
Thuật toán đồng thuận là trái tim của công nghệ blockchain. Mỗi thuật toán đồng thuận đơn giản được lập trình để sử dụng trong các hệ thống máy tính phân tán. Vai trò chủ yếu của nó là đạt được thỏa thuận về một giá trị dữ liệu hoặc một trạng thái duy nhất của mạng giữa các máy trong hệ thống.
a. Bằng chứng công việc (Proof of Work)
Bằng chứng công việc (Proof of Work) là nguồn gốc xuất thân của các loại thuật toán đồng thuận khác của blockchain. Nó được thiết kế bởi Satoshi Nakamoto và được ứng dụng lần đầu tiên trên Bitcoin nhằm giải quyết vấn đề double-spending.
Proof of Work tập hợp những người tham gia blockchain được gọi là thợ đào (miner). Nhiệm vụ của họ là giải các bài toán khó cần tính toán phức tạp để tạo thêm một khối vào blockchain và nhận phần thưởng khối tùy theo mạng lưới. Người dùng cần tận dụng tài nguyên (tiền điện, đầu tư phần cứng, thời gian,…) của họ thì mới có thể xác thực dữ liệu vào blockchain hoặc gọi là mine block.
b. Bằng chứng cổ phần (Proof of Stake)
Proof of Stake là giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng tối đa và giải quyết các vấn đề khác của Proof of Work. Để xác minh giao dịch, Proof of Stake yêu cầu người dùng “đặt cọc” một phần những đồng cryptocurrency mà họ đang nắm giữ.
Nếu như Proof of Work ngăn chặn các hành vi gian lận bằng cách nghiêng hẳn về tính toán làm tốn nhiều thời gian thì Proof of Stake lại ngăn chặn các hành vi đó bằng cách chuyển quyền xác minh cho người dùng có tổng giá trị cao nhất trong hệ thống. Chính vì vậy, khả năng thành công là rất lớn. Người thợ đào nếu đã đặt cọc vào chuỗi nhưng có dấu hiệu của sự gian lận sẽ bị mất toàn bộ khoản cọc đó.
Ưu điểm chính của Proof-of-Stake là hiệu quả sử dụng năng lượng và khả năng ngăn chặn gian lận tốt hơn Proof of Work. Tuy nhiên, hạn chế của thuật toán này chưa được kiểm chứng là thực sự đạt hiệu quả khi vận hành trong các dự án lớn.
c. Bằng chứng ủy quyền cổ phần (Delegated Proof of Stake)
Một thuật toán có tên tương tự với Proof of Stake nhưng cách hoạt động của Delegated Proof of Stake hoàn toàn khác. DPoS được vận hành bởi Steemit, EOS và BitShare.
Trong quá trình sử dụng DPoS, người nắm giữ token sẽ tiến hành bỏ phiếu cho một nhóm được chọn để thực hiện các vai trò xác minh giao dịch. DPoS cam kết đem lại sự trung thực và công bằng bằng các quá trình bỏ phiếu liên tục và liên tiếp xáo trộn trong mạng lưới để đảm bảo những người được lựa chọn có trách nghiệm và trung thực.
Khả năng mở rộng và thực hiện quá trình xác nhận giao dịch nhanh chính là ưu điểm lớn của DPoS. Ngược lại, hạn chế của DPoS là khả năng tập trung vào một phần và mô hình quản trị vẫn chưa được chứng minh là đạt hiệu quả trong một dự án lớn.
d. Bằng chứng thẩm quyền (Proof of Authority)
Proof of Authority được đề xuất vào năm 2017 bởi cựu CTO của Ethereum và Gavin Wood sáng lập. Thuật toán đề cao giá trị danh tính và danh tiếng của người tham gia nhằm đem lại một giải pháp thực tế và hiệu quả cho các blockchain. Ưu điểm của PoA đó là cung cấp một thông lượng cao hơn và không yêu cầu nỗ lực tính toán quá mức. Hơn nữa, các mạng lưới PoA chỉ chấp nhận khi người tham gia có uy tín lâu đời làm người xác nhận cho họ.
e. Bằng chứng khối lượng (Proof of Weight)
Proof of Weight được lập trình dựa trên quy luật của thuật toán đồng thuật Algorand. Cách hoạt động tương tự như PoS, đó là sử dụng số lượng token nắm giữ trọng hệ thống phù hợp với phần trăm xác suất tạo ra chuỗi theo cơ chế tính toán của mạng lưới Proof of Weight kèm với các giá trị khác được sử dụng. Ưu điểm của cơ chế đồng thuận này là có thể tùy chỉnh và khả năng mở rộng rất tốt. Ngược lại, hạn chế trong quá trình thúc đẩy việc phát triển sẽ là một thử thách lớn.
f. Bằng chứng lịch sử (Proof of History)
Proof of History (PoH) xuất hiện như một phương pháp đồng thuận mới nhằm khắc phục các tình trạng khó khăn của PoS và DPoS. Dự án Solana (SOL) là dự án tiên phong được ứng dụng bởi thuật toán này.
PoH là thuật toán đồng thuật giúp xác minh thứ tự và thời gian giữa các giao dịch. Nó được phát triển và xây dựng để đảm bảo vấn đề thời gian trong các mạng lưới phi tập trung ở nơi không có cùng mốc thời gian. Với mỗi một blockchain thông thường, đạt được sự đồng thuận theo thời gian một khối cụ thể được khai thác, đồng thời cũng là đạt được sự đồng thuận về sự tồn tại của các giao dịch trong cùng khối. Dấu thời gian đóng vai trò quan trọng trong việc cho biết các giao dịch có đang diễn ra theo một trình tự cụ thể không. Chính vì vậy, PoH giải quyết thách thức về thời gian và làm giảm trọng lượng xử lý của blockchain, giúp nó thực thiện nhẹ và nhanh hơn.
g. Bằng chứng danh tiếng (Proof of Reputation)
Ý tưởng của Proof of Reputation (PoR) được xây dựng và phát triển bởi Kaiba DeFi. Đây là một phiên bản khác của Proof of Authority (PoA) với sự an toàn, mới, và hiệu quả nhất so với tất cả các hệ sinh thái khác. Nền tảng dựa trên sự uy tín của các bên tham gia để giữ cho hệ thống an toàn. Một trong những bên tham gia cần xác thực block phải đủ uy tín để nếu họ vi phạm hoặc gian lận thì uy tín của họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Chỉ khi công ty chứng minh được danh tiếng và vượt qua quá trình kiểm chứng thì sẽ được chọn để ký và xác thực block. Các bước điều hành mạng và quy tắc được tuân theo bằng cách đặt danh tính của chúng vào rủi ro. Điều này cho phép các bước được xác minh minh bạch, đồng thời đạt được sự đồng thuận nhanh chóng và đáng tin cậy.
6. Hệ thống chịu lỗi Byzantine (Byzantine Fault Tolerance)
Hệ thống chịu lỗi BFT là hệ thống khắc phục các vấn đề khó của bài toán Byzantine. Điều này có nghĩa là hệ thống BFT được xây dựng để hoạt động ngay cả khi một số node gặp lỗi hoặc thực hiện hành động gây hại cho mạng chung.
Có nhiều giải pháp khả thi cho bài toán các vị tướng Byzantine và xây dựng hệ thống chịu lỗi. Tương tự như vậy, còn rất nhiều cách để một chuỗi khối đạt được hệ thống chịu lỗi BFT thông qua các thuật toán đồng thuận.
Cách thức hoạt động của blockchain

Bitcoin là đồng tiền mã hóa phổ biến được ứng dụng công nghệ Blockchain. Tương tự như các loại tiền tệ khác, Bitcoin mang giá trị bởi được một cộng đồng công nhận và chấp thuận chọn nó làm đơn vị hàng hóa để giao dịch. Tuy nhiên, để phục vụ việc theo dõi các giao dịch của đồng Bitcoin, cuốn sổ kế toán là blockchain sẽ được hoạt động dựa trên các nguyên lý sau:
1. Nguyên lý mã hóa
Cuốn sổ cái blockchain luôn được duy trì bởi hệ thống mạng hàng ngang được kết nối với nhau. Vì vậy, nó sẽ có một vài điểm khác biệt:
- Trên blockchain của Bitcoin, ta có thể xem được giao dịch của tất cả những người tham gia hệ thống.
- Bitcoin thuộc dạng mạng lưới phân tán nên không cần đến bên thứ ba làm trung gian xử lý giao dịch.
- Hệ thống blockchain được xây dựng thông qua hàm băm được mã hóa có độ tin cậy cao.
Ví tiền mã hóa có khả năng lưu trữ và trao đổi các đồng Bitcoin trong quá trình thực hiện giao dịch trên blockchain. Để đảm bảo bảo mật tối đa, loại ví tiền này này được bảo vệ bằng mã hóa đặc biệt là khóa riêng tư (private key) và khóa công khai (public key).
Khóa tiếng tư thì chỉ có duy nhất mình chủ sở biết. Còn đối với khóa công khai thì chỉ duy nhất chủ sở hữu cặp khóa công khai này mới có quyền giải mã và đọc nội dung đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng đang tạo một chữ ký điện tử để các máy tính trong mạng lưới blockchain kiểm tra chủ sở hữu và tính xác thực của giao dịch. Nếu một ký tự đơn trong giao dịch bị thay đổi thì chữ ký điện tử sẽ thay đổi theo. Vì thế, hacker không thể can thiệp hoặc chiếm đoạt số lượng Bitcoin được giao dịch.
2. Quy tắc sổ cái
Mạng lưới blockchain chỉ ghi lại các giao dịch mà không hề thu thập thông tin số dư trong tài khoản người dùng. Vì vậy, người dùng cần xác thực toàn bộ các giao dịch đã tiến hành trên mạng lưới có liên quan tới ví tiền mã hóa của mình để xem số dư.
Bởi mạng lưới Bitcoin là nguồn mở, nên bất kỳ người dùng nào kết nối Internet cũng đều có thể tham gia và thực hiện giao dịch. Trường hợp có một lỗi bất kỳ trong mã nguồn được sử dụng để thông báo yêu cầu giao dịch thì đồng Bitcoin liên quan sẽ bị mất vĩnh viễn. Chắc chắn rằng, người dùng không thể thực hiện khôi phục lại giao dịch bị mất hoặc quên mật khẩu ví tiền mã hóa vì mạng lưới phân tán không cho phép. Chính vì vậy, hãy đảm bảo khóa riêng tư và lưu trữ mật khẩu cẩn thận và an toàn.
3. Nguyên lý tạo chuỗi khối

Mỗi giao dịch sau khi được đưa lên mạng lưới blockchain sẽ được phân loại vào từng khối. Các giao dịch xảy ra trong 1 khối (block) được coi là diễn ra cùng một thời điểm. Ngược lại, các giao dịch chưa được thực hiện trong 1 khối được coi là chưa xác nhận.
Mỗi nút có thể nhóm các giao dịch vào chung một khối và đưa lên mạng lưới để các khối tiếp theo được gắn kết vào sau đó. Bất kỳ nút nào cũng có thể tạo ra một khối mới và chứa mã băm không thể đảo ngược để được thêm vào hệ thống blockchain. Cứ sau 10 phút, mỗi khối mới sẽ được tạo ra bởi trong mạng lưới đều có một số lượng lớn các máy tính tập trung vào việc đoán dãy số ngẫu nhiên. Các dãy này được tạo ra là những số kết hợp với nội dung khối trước rồi đưa ra kết quả được hệ thống định nghĩa. Nút khi được giải quyết các vấn đề toán học như vậy sẽ được phép gắn khối tiếp theo lên trên chuỗi khối và gửi tới mạng lưới.
Nếu trường hợp có nhiều nút cùng giải quyết một vấn đề xảy ra thì cả các khối sẽ được gửi lên hệ thống và mỗi nút sẽ xây dựng các khối kế tiếp mà nó nhận được trước. Do xác xuất xây dựng các block đồng thời thấp nên hầu như không có trường hợp nhiều khối được tạo ra và nối đuôi nhau. Vì vậy, toàn bộ chuỗi khối sẽ nhanh chóng ổn định và hợp nhất lại khi các nút đều đồng thuận.
Đặc điểm của blockchain
Blockchain có các đặc điểm nổi bật sau:
- Không thể làm giả: các chuỗi được tạo trên blockchain hầu như không thể bị phá hủy hoặc làm giả. Chỉ duy nhất máy tính lượng tử mới có thể can thiệp và giải mã mã nguồn blockchain.
- Bất biến: các dữ liệu được cập nhập trong blockchain sẽ được lưu trữ mà không thể sửa đổi do tính chất của các thuất toán đồng thuận và mã băm.
- Bảo mật: dữ liệu và thông tin trong các chuỗi đều được phân tán và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chỉ có người sở hữu private key mới được phép truy xuất dữ liệu đó.
- Minh bạch: bất kỳ người dùng nào cũng có thể quan sát, theo dõi các giao dịch trong blockchain vì toàn bộ thông tin đều công khai.
- Hợp đồng thông minh: cho phép các giao dịch tự động thực hiện mà không cần đến bên thứ ba. Nó đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia đều được biết chi tiết thông tin hợp đồng và các điều kiện giao dịch mà không ai có thể hủy bỏ.
Ứng dụng của công nghệ blockchain
Công nghệ Blockchain là tiền đề để tạo nên nền tảng cho các loại tiền mã hóa, điển hình là Bitcoin. Bitcoin trên mạng lưới blockchain cho phép hoạt động mà không cần cơ quan trung ương. Vì vậy, nó không chỉ làm giảm rủi ro mà còn giảm tối đa chi phí xử lý và giao dịch. Ngoài ra, thuật toán của blockchain cũng giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn sự xâm phạm trái phép dữ liệu người dùng. Ngay cả khi không có trung gian xác minh, chức năng của blockchain vẫn được thực hiện trong quá trình giao dịch.
Không những vậy, mạng lưới blockchain sẽ xác minh và thanh toán những giao dịch ngang hàng, công việc này được thực hiện liên tục nên sổ cái luôn được cập nhật. Hệ thống quản lý trở nên thông minh bởi blockchain cho phép liên tục đổi mới, lặp lại và cải tiến, dựa trên sự đồng thuận trong mạng lưới. Trong vòng đời của một sản phẩm, qua mỗi bước của chuỗi cung ứng, dữ liệu được tạo ra và được ghi lại dưới dạng các giao dịch ghi lại lịch sử vĩnh viễn cho sản phẩm. Chính vì vậy, blockchain là công cụ hỗ trợ đắc lực để quản lý kho dữ liệu khổng lồ. Blockchain có thể tăng tính hiệu quả trong việc cung cấp và chia sẻ thông tin về quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản sự hao mòn giá trị sản phẩm tới các bên có liên quan. Bên cạnh đó, blockchain còn giúp giải quyết các vấn đề khó khăn trong logistics như độ chậm trễ trong giao nhận hàng, thất lạc giấy tờ, chứng từ, tài liệu hay nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng và các lỗi khác trong vận chuyển giữa nhiều thành viên trong một chuỗi hoạt động. Để xử lý các vấn đề trên, Blockchain sẽ truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chứng thực giấy tờ phải đủ minh bạch và rõ ràng. Hệ sinh thái phối hợp cùng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet để giám sát, kiểm tra hành trình chuyển giao cũng như các phương tiện vận chuyển bằng cách ứng dụng hợp đồng thông minh.
Hiện nay, các game blockchain (NFT game) cũng được xem như là một bước phát triển mới trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Với nhiều tính năng nổi trội, nó tạo ra các tương tác tích cực giữa cả 2 lĩnh vực game và crypto. Các tựa game được đánh giá cao về khả năng thanh khoản, độ bảo mật và giá trị sở hữu của người chơi cũng như độ đa dạng về cách thức thanh toán. Để tăng tính minh mạch cho các tựa game, tài sản sẽ được phân bổ và chia đều cho các người chơi khác nhau. Chính vì vậy, nhà phát hành game sẽ không thể tác động đến các tài sản của người dùng được. Mặc dù tin tặc thường xuyên tìm cách xâm nhập trái phép vào hệ thống nhưng các biện pháp mã hóa dữ liệu cao của blockchain sẽ giảm thiểu tối đa sự tấn công đó và tạo ra một môi trường an toàn cho game thủ cùng nhà phát hành. Chính vì đặc tính công khai minh bạch và xác thực rõ ràng của blockchain, các trò chơi có độ tin cậy cao hơn và những vật phẩm hay phần thưởng thu được đều có thể quy đổi ra giá trị thực.
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng đưa blockchain vào để khai thác sử dụng như: công nghệ ô tô, chế tạo, viễn thông, v.v…
Trên đây là tổng hợp thông tin định nghĩa blockchain cơ bản mà bạn nên biết. Công nghệ blockchain đang ngày càng trở nên phổ biến và đang đi sâu vào từng ngóc ngách của đời sống con người. Chắc chắn rằng, nếu chúng ta biết khai thác và tận dụng hệ sinh thái blockchain hợp lý thì các hoạt động sẽ được diễn ra vừa nhanh chóng, vừa an toàn mà lại hiệu quả.
Tác giả: Nguyễn Công Phúc