Trong lĩnh vực tài chính, xu thế biểu đồ thường xuyên đảo chiều theo 2 hướng lên và xuống trong một khoảng thời gian nhất định được gọi là xu hướng thị trường. Các thuật ngữ thị trường con bò và thị trường con gấu lần lượt mô tả xu thướng thị trường tăng giá và thị trường giảm giá một cách đối xứng nhau, áp dụng trong chứng khoán hoặc các lĩnh vực tài chính khác như forex, tiền điện tử, bất động sản,… Vậy, xu hướng thị trường bò và gấu là gì và nguồn gốc bắt nguồn từ đâu? Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Xu hướng thị trường bò và gấu là gì?

Xu hướng thị trường (market trend) là giai đoạn giá cả của một thị trường tài chính có xu thế đi lên hoặc đi xuống trong một khoảng thời gian nhất định, tương ứng lần lượt với thị trường bò (bull market) và thị trường gấu (bear market).
1. Bull market là gì?
Thị trường bò (bull market) là giai đoạn thị trường giá lên, thuật ngữ này đề cập đến hình tượng một con bò tót khi chiến đấu sẽ dung sừng húc và hất văng kẻ thù của mình lên, tượng trưng cho sự tăng giá. Khi thị trường có xu hướng tăng (uptrend), các nhà đầu tư lạc quan và hy vọng nhiều hơn. Điều này giúp các nhà đầu tư có thêm niềm tin, thúc đẩy họ rót vốn vào thị trường và thường làm cho giá tiếp tục tăng trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Bear market là gì?
Thị trường gấu (bear market) là giai đoạn thị trường giá xuống, thuật ngữ này đề cập đến hình tượng một con gấu khi chiến đấu sẽ dùng vuốt táp và đè kẻ thù của mình xuống, tượng trưng cho sự giảm giá. Khi thị trường có xu hướng giảm (downtrend), các nhà đầu tư bi quan và sợ hãi nhiều hơn. Điều này khiến các nhà đầu tư bị mất niềm tin, dẫn đến việc họ thoái vốn khỏi thị trường và thường làm cho giá tiếp tục giảm trong một khoảng thời gian nhất định.
Nguồn gốc của thuật ngữ “bull market” và “bear market”
Thuật ngữ “bull market” và “bear market” có nguồn gốc không rõ ràng, được ghi lại lần đầu trong cuốn sách Every Man His Own Broker xuất bản vào năm 1761. Trong đó, thuật ngữ “Bull” ám chỉ các nhà đầu cơ chứng khoán theo phe bò tại hẻm Exchange Alley, họ mua và nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng nó sẽ tăng giá trị trong thời gian ngắn để kiếm lợi nhuận. Thuật ngữ còn lại được cho là cũng xuất phát từ con hẻm này, nơi mà các nhà giao dịch theo phe gấu, thực hiện bán khống da gấu (chứng khoán) trước khi bắt được con gấu để thu về lợi nhuận khi giá bán giảm.
Ngoài ra, hình ảnh đối lập giữa bò và gấu có thể còn được bắt nguồn từ trò bắt gấu và bắt bò tót, hai môn thể thao chiến đấu máu lửa từng rất phổ biến lúc bấy giờ.
Nguyên nhân của các xu hướng thị trường
Một trong những yếu tố quyết định giá trị của tài sản nằm ở cung và cầu. Khi sự mất cân bằng giữa cung và cầu xảy ra, chẳng hạn như lượng cầu tăng đột biến khiến nguồn cung không đủ để đáp ứng thì người bán sẵn sàng tăng giá và người mua cũng sẵn sàng trả giá cao hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra xu hướng thị trường bên cạnh những nguyên nhân khác thuộc môi trường vĩ mô.
Bên cạnh đó, con người thường bị ảnh hưởng bởi “tâm lý đám đông”. Điều này nghĩa là khi họ thấy thị trường tăng thì sẵn sàng trả giá cao hơn để mua vào kiếm lời và chấp nhận bán ra với giá thấp hơn khi thị trường giảm để cắt lỗ. Điều này thường xuyên xảy ra ở những bong bóng kinh tế và có thể lường trước được.
Xác định xu hướng thị trường bò hoặc gấu

Những biến động ngắn hạn không phản ánh hoàn toàn xu hướng thị trường tăng hay giảm. Bên cạnh đó, đôi khi thị trường cũng trải qua giai đoạn đình trệ vì đang cố gắng tìm ra hướng đi. Vì vậy, một xu hướng thị trường có thể được xác định muộn màng vì bất kỳ thời điểm giá cả nào trong tương lai cũng đều không thể biết trước được. Thông thường, các nhà đầu tư thường xác định xu hướng thị trường thông qua những phân tích kỹ thuật hoặc dự đoán khi giá cả đạt tới ngưỡng hỗ trợ và kháng cự.
1. Đối với thị trường bò
Một thị trường bò được xác định khi giá tài sản tăng 20% trở lên và kết thúc khi nó đảo chiều giảm 20% từ đỉnh cao nhất. Trong khoảng thời gian này, xu hướng tăng giá liên tục tạo ra các đỉnh mới lần lượt cao hơn đỉnh cũ.
2. Đối với thị trường gấu
Một thị trường gấu được xác định khi giá tài sản giảm 20% trở lên trong ít nhất 2 tháng và kết thúc khi nó đảo chiều tăng 20% từ đáy thấp nhất. Trong khoảng thời gian này, xu hướng giảm giá liên tục hình thành các đáy mới lần lượt thấp hơn đáy cũ. Nếu xu hướng thị trường giảm diễn ra trong một khoảng thời gian quá dài thì có thể gây ra tình trạng suy thoái kinh tế hoặc nghiêm trọng hơn là khủng hoảng kinh tế.
Vơi những thông tin về xu hướng thị trường trên, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt nhất cho mình để đưa ra những quyết định đúng đắn khi đầu tư. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc