YouTube hiện là một nền tảng chia sẻ video thịnh hành có lượng truy cập lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Google Search. Thông qua Chương trình Đối tác YouTube, rất nhiều người dùng đã tìm ra tiềm năng kiếm tiền online thông qua nền tảng này. Vậy, làm thế nào để tạo một kênh YouTube kiếm tiền? Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Hướng dẫn cách tạo kênh YouTube
Để tạo kênh YouTube, bạn cần phải sở hữu hoặc đăng ký một tài khoản Google trước. Sau đó hãy đăng nhập YouTube bằng tài khoản Google của mình trước khi thành lập kênh.
1. Tạo kênh YouTube cá nhân
Nếu bạn đơn giản chỉ muốn tạo một kênh YouTube cá nhân mới cho riêng mình thì hãy thực hiện các bước sau:
Bước 1: Truy cập trang chủ của YouTube, nhấn vào ảnh hồ sơ của bạn và chọn “Tạo kênh“.
Bước 2: Hệ thống sẽ hiển thị thông tin của bạn dựa trên tài khoản Google. Bạn có thể thay đổi những thông tin này sao cho phù hợp với định hướng của kênh.
2. Tạo kênh YouTube thương hiệu
Nếu bạn muốn tạo kênh YouTube cho một thương hiệu (doanh nghiệp) nào đó để có thể kiểm soát và chia sẻ quyền quản lý thì hãy thực hiện các bước sau:
Bước 1: Truy cập trang chủ của YouTube, nhấn vào ảnh hồ sơ của bạn và chọn “Chuyển đổi tài khoản“.
Bước 2: YouTube sẽ hiển thị danh sách tài khoản Google của bạn, lúc này hãy chọn vào “Xem tất cả kênh“.
Bước 3: Nhấp chuột vào nút “Tạo kênh” để thực hiện.
Bước 4: Ở bước này, bạn hãy điền tên kênh mà mình muốn đăng ký rồi nhấn “Tạo“.
Thiết lập tối ưu kênh trong YouTube Studio

Trước khi thực hiện tải lên bất cứ một video nào, bạn nên thiết lập tối ưu kênh của mình cho công chúng trước.
1. Tải lên hình ảnh nhận diện thương hiệu
Khi truy cập vào một kênh YouTube, hình ảnh đóng vai trò như gương mặt đại diện của kênh. Vì vậy, để tăng thêm thiện cảm, mức độ chuyên nghiệp và khiến người xem dễ nhớ về kênh thì bạn nên tải lên những hình ảnh ấn tượng đại diện cho thương hiệu của mình.
Bước 1: Bạn hãy nhấn vào ảnh hồ sơ của mình và chọn “YouTube Studio“.
Bước 2: Chọn vào phần “Tùy chỉnh” và nhấn vào tab “Xây dựng thương hiệu“.
Bước 3: Bạn tải hình ảnh hồ sơ, hình ảnh biểu ngữ và hình mờ lên đề giúp cho khán giả dễ dàng nhận diện thương hiệu của kênh.
2. Bổ sung thông tin giới thiệu về kênh
Hãy cho người xem của bạn biết họ đang truy cập vào kênh chứa những thông tin gì qua phần mô tả, liên kết mạng xã hội và thông tin liên hệ. Để thực hiện, bạn hãy nhấn vào tab “Thông tin cơ bản” ở bên cạnh và điền:
- Tên: Tên của kênh.
- Tên người dùng: Đường dẫn (URL) của kênh (ví dụ: youtube.com/@creatorname).
- Thông tin mô tả: Giới thiệu sơ lược về thương hiệu và nội dung/chủ đề mà kênh xây dựng.
- Đường liên kết: Các trang mạng xã hội hoặc trang web khác của thương hiệu.
- Thông tin liên hệ: Địa chỉ email mà bạn muốn hiển thị trên kênh để đối tác có thể liên hệ hợp tác.
3. Thêm video nổi bật cho kênh
Bạn có thể tạo video giới thiệu hoặc lựa chọn video đặc sắc nhất hiển thị ở đầu kênh để tạo ấn tượng cho khán giả. Video giới thiệu đó sẽ được phát tự động khi người xem truy cập vào kênh. Video giới thiệu kênh có thể lựa chọn được hiển thị khác nhau cho người chưa đăng ký và người đăng ký cũ.

Để thêm video nổi bật, bạn hãy nhấn vào tab “Bố cục” và chọn “Thêm” nếu đã đăng video trên kênh. Ngoài ra, bạn cũng có thể chỉnh sửa bố cục ở mục “Các phần thêm vào” cho từng danh sách phát khác nhau khi nhấn nút “Thêm phần kênh“. Các video nên thêm vào thư mục có thể bảo gồm: chuỗi video dài tập, các video nổi bật, khóa học nhiều buổi, v.v…
4. Hoàn tất cài đặt kênh
Một số cài đặt nhỏ khác mà bạn nên thực hiện để kênh không gặp vấn đề với những chính sách của YouTube. Để thực hiện thì trong “YouTube Studio” bạn chọn “Cài đặt“. Mục này sẽ chứa những cài đặt mà bạn cần phải thiết lập như sau:
- Chung: Đơn vị tiền tệ mặc định mà YouTube sẽ hiển thị cho bạn khi các video kiếm được tiền. Bạn nên sử dụng VND – Đồng Việt Nam cho thuận tiện.
- Kênh: Mục này được chia thành 3 tab.
- Thông tin cơ bản:
- Quốc gia cư trú: Là khu vực YouTube ưu tiên hiển thị cho đối tượng của kênh, bạn nên chọn Việt Nam.
- Từ khóa: Mục này để giúp thuật toán YouTube hiển thị khi có người tìm kiếm các từ khóa. Vì vậy, hãy điền những từ khóa mô tả chủ đề và nhắc đến thương hiệu của kênh (nên điền chi tiết và đầy đủ).
- Cài đặt nâng cao:
- Đối tượng người xem: Nếu kênh của bạn không ưu tiên cho bất cứ đối tượng nào thì có thể giữ nguyên. Còn không thì hãy tích vào những ô phù hợp để tránh vi phạm chính sách YouTube.
- Phụ đề tự động: Không nên tích vào ô này.
- Quảng cáo: Không nên tích vào ô này.
- Đoạn video: Giữ nguyên nếu bạn cho phép người dùng tạo video ngắn và chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
- Điều kiện sử dụng tính năng:
- Các tính năng cơ bản: Tạo video, tạo danh sách phát, thêm cộng tác viên vào danh sách phát và thêm video mới vào danh sách phát có sẵn (các tính năng cơ bản được mở khóa sẵn, không cần xác minh và yêu cầu kênh không có cảnh cáo vi phạm Nguyên tắc cộng đồng của YouTube).
- Các tính năng bậc trung: Video dài hơn 15 phút, hình thu nhỏ tùy chỉnh, phát trực tiếp và các tính năng cơ bản (để mở khóa các tính năng bậc trung yêu cầu bạn phải xác minh số điện thoại).
- Các tính năng nâng cao: Tạo nhiều sự kiện trực tiếp hơn mỗi ngày, đăng tải nhiều video hơn mỗi ngày, tạo nhiều video ngắn hơn mỗi ngày, nhúng sự kiện trực tiếp, đường liên kết ngoài trong phần mô tả video, khiếu nại các thông báo xác nhận quyền sở hữu qua Content ID, đủ điều kiện đăng ký tham gia kiếm tiền và các tính năng bậc trung (để mở khóa các tính năng nâng cao yêu cầu bạn phải xác minh qua video, giấy tờ tùy thân hợp lệ hoặc có quá trình hoạt động tích cực).
- Thông tin cơ bản:
- Chế độ mặc định cho video tải lên: Nhưng thông bạn điền lặp đi lặp lại trong mọi video giống như chữ ký, tên thương hiệu, video cùng một chủ đề, v.v…
- Thông tin cơ bản: Hãy điền tiêu đề, mô tả, thẻ (tag) mà bạn muốn làm nó lặp lại trong mọi video rồi chọn chế độ hiển thị công khai.
- Cài đặt nâng cao:
- Phân cảnh tự động: Chọn danh mục phù hợp với chủ đề kênh và ngôn ngữ video tiếng Việt, các mục còn lại giữ nguyên.
- Bình luận: Nên giữ nguyên cài đặt hoặc tích thêm vào ô “Tăng độ nghiêm ngặt (thử nghiệm)” để loại bỏ những bình luận thô tục không phù hợp.
- Quyền: Bạn có thể mời thêm những người quản lý khác điều hành kênh của mình (chỉ nên dùng khi làm kênh thương hiệu).
- Cộng đồng:
- Bộ lọc tự động: Bạn có thể thêm người kiểm duyệt (có thể xóa bình luận), người dùng đã phê duyệt (không bị kiểm duyệt), người dùng bị ẩn (không hiển thị bình luận) ở đây. Phần “Live Redirect” bạn nên giữ nguyên, không thay đổi.
- Mặc định: Bình luận trên kênh của bạn và tin nhắn cuộc trò truyện trực tiếp (livestream). Bạn có thể tích thêm vào ô “Tăng độ nghiêm ngặt (thử nghiệm)” và “Giữ lại các tin nhắn trò chuyện có khả năng không phù hợp để xem xét trước khi đăng” để phòng chống spam từ ngữ thô tục trên kênh.
- Thỏa thuận: Mọi hoạt động sử dụng dịch vụ này đều phải tuân thủ Điều khoản dịch vụ của YouTube mà bạn có thể nhấp vào link để tìm hiểu thêm.
Sau khi hoàn thành các cài đặt cần thiết cho kênh của mình, bạn hãy nhấn “LƯU” lại là xong.

Tiếp đến, bạn cần phải bật kiếm tiền YouTube cho kênh của mình nếu đủ điều kiện mở khóa các tính năng nâng cao. Khi bật chức năng kiếm tiền thông qua quảng cáo, YouTube sẽ phê duyệt trong khoảng 1 tuần nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện tham gia Chương trình Đối tác YouTube.
=> Đọc thêm: Cách kiếm tiền trên YouTube
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp cho bạn có thêm thông tin và hiểu rõ hơn làm cách nào để tạo kênh YouTube kiếm tiền. Chúc bạn áp dụng thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc