Đối với thị trường chứng khoán thì việc mua bán và sở hữu chứng quyền được được coi như một hình thức đầu tư mạo hiểm bởi nó có tính đòn bẩy cao. Vì vậy, chứng quyền có bảo đảm an toàn hơn và đang được rất nhiều các nhà đầu tư quan tâm. Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu về chứng quyền có bảo đảm nhé!
Chứng quyền có bảo đảm là gì?
Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant viết tắt là CW) là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành cho phép chủ sở hữu được quyền chọn mua (chứng quyền mua) hoặc quyền chọn bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành theo một mức giá được xác định từ trước cho đến khi đáo hạn. Loại chứng khoán này yêu cầu chi trả một khoản “phí bảo hiểm“, và sau khi ký hợp đồng, chủ sở hữu sẽ được đảm bảo không mất nhiều tiền hơn chứng quyền quyền và khoản phí đã chi trả ban đầu.

Chứng quyền có bảo đảm được phát hành độc lập và không có trái phiếu hoặc vốn chủ sở hữu kèm theo. Không giống như chứng quyền thông thường, chứng quyền có bảo đảm được phát hành bởi các tổ chức tài chính thay vì các công ty phát hành cổ phiếu. Nó được coi như một loại chứng khoán cơ sở được niêm yết và hoàn toàn có thể giao dịch trên một số sàn chứng khoán.
Phân loại chứng quyền có bảo đảm
Chứng quyền có bảo đảm được chia thành 2 loại như sau:
1. Chứng quyền mua

Chứng quyền mua cho phép chủ sở hữu được quyền chọn mua (call option gọi ngắn gọn là “call“) vào một số lượng chứng khoán cơ sở tại mức giá đã quy định trong hợp đồng trước đó. Chủ sở hữu sẽ được nhận khoản tiền chênh lệch nếu giá của chứng khoán cơ sở cao hơn giá chứng quyền tại thời điểm mua.
2. Chứng quyền bán
Chứng quyền bán cho phép chủ sở hữu được quyền chọn bán (put option gọi ngắn gọn là “put“) ra một số lượng chứng khoán cơ sở tại mức giá đã quy định trong hợp đồng trước đó. Chủ sở hữu sẽ được nhận khoản tiền chệch lệch nếu giá của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá chứng quyền tại thời điểm bán.
Các loại giá của chứng quyền có bảo đảm
Các loại giá của chứng quyền có bảo đảm ở Việt Nam mà nhà đầu tư nên biết bao gồm:
- Giá chứng quyền: Là chi phí nhà đầu tư phải trả để sở hữu chứng quyền.
- Giá thực hiện: Là mức giá ấn định nhà đầu tư thực hiện quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở trước khi chứng quyền đến ngày đáo hạn.
- Giá thanh toán: Là mức giá để xác định khoản tiền chênh lệch lãi/lỗ cho chủ sở hữu chứng quyền được công bố vào ngày đáo hạn.
Đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm
Chứng quyền có bảo đảm có những đặc điểm sau:
- Tính đòn bẩy: Giá của chứng quyền có bảo đảm thường thấp hơn nhiều so với giá của chứng khoán cơ sở nhưng giá trị nội tại của nó lại có khả năng tăng cao (đôi khi lên đến từ 7 – 10 lần) trong một khoảng thời gian ngắn theo vòng đời chứng quyền. Giá của chứng quyền thay đổi theo biến động của giá chứng khoán cơ sở trong tương lai nên giúp nhà đầu tư dễ kiếm được lợi nhuận theo đúng dự đoán của mình.
- Cố định khoản lỗ tối đa: Để sở hữu chứng quyền có bảo đảm, nhà đầu tư đã phải chi trả phí bảo hiểm ngay từ đầu. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư phải chịu chính là giá chứng quyền và các khoản phí đã chi trả.
- Vốn đầu tư thấp: Đầu tư chứng quyền có bảo đảm có triển vọng hơn cho những người không muốn chi trả quá nhiều tiền như để sở hữu chứng khoán cơ sở. Vốn đầu tư cho chứng quyền có bảo đảm thường thấp hơn, giá chỉ khoảng từ 8 – 20% so với chứng khoán cơ sở.
- Không cần phải ký quỹ: Nhà đầu tư không cần phải ký quỹ bất kỳ khoản tiền nào mà vẫn có thể giao dịch chứng quyền có bảo đảm.
- Giao dịch dễ dàng: Chứng quyền có bảo đảm có phương thức giao dịch tương tự với chứng khoán cơ sở, đều được thực hiện thanh toán trên các sàn giao dịch chứng khoán. Vì vậy, nhà đầu tư có thể dễ dàng sở hữu chứng quyền trên tài khoản chứng khoán có sẵn.
- Không có quyền cổ đông: Do chứng quyền có bảo đảm được phát hành bởi các công ty chứng khoán mà không phải do các doanh nghiệp trực tiếp phát hành nên chủ sở hữu sẽ không có quyền cổ đông như cổ phiếu phổ thông hoặc nhà đầu tư sở hữu chứng quyền của công ty.
Đầu tư chứng quyền có bảo đảm khá an toàn và không quá phức tạp đối với những người mới bước chân vào thị trường. Tuy vậy, bạn vẫn nên tìm hiểu kỹ hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của công ty mà bạn sở hữu mã chứng quyền. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh