Những thành viên quan trọng không thể thiếu trong hội đồng quản trị của công ty cổ phần được gọi là cổ đông. Vậy cổ đông là gì và tại sao cổ đông lại đóng vai trò quan trọng trong công ty cổ phần? Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết khái niệm cổ đông trong bài viết này nhé!
Cổ đông là gì?
Cổ đông (shareholder) là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu cổ phần của công ty cổ phần. Hay nói cách khác, cổ đông sở hữu một phần của công ty cổ phần chứ không phải là chủ nợ. Vì vậy, họ có quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu cổ phần của doanh nghiệp được gọi là cổ phiếu.
Số lượng cổ đông tối thiểu khi sáng lập công ty cổ phần là 3 thành viên và không giới hạn số lượng tối đa. Cổ đông sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác tùy theo phần vốn mà họ đã góp.
Các loại cổ đông
Cổ đông được phân loại dựa vào quyền, nghĩa vụ gắn liền với số lượng và loại cổ phiếu mà họ đang sở hữu.
1. Cổ đông sáng lập
Cổ đông sáng lập là những thành viên đầu tiên tham gia góp vốn để thành lập công ty cổ phần. Thời điểm thành lập doanh nghiệp, thành viên sáng lập phải sở hữu ít nhất 20% cổ phần của doanh nghiệp. Ngoài ra, cổ đông đồng sáng lập công ty được gọi là cổ đông hiện hữu khi vẫn đang nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp.
2. Cổ đông chiến lược

Cổ đông chiến lược là những nhà đầu tư có năng lực về tài chính và đảm bảo cam kết hỗ trợ, đóng góp tầm nhìn và gắn bó dài hạn với doanh nghiệp. Trách nhiệm của cổ đông chiến lược là giúp đỡ, hỗ trợ công ty ở nhiều mảng và khía cạnh khác nhau như quản trị nhân sự, quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, định hướng kinh doanh, v.v…
3. Cổ đông phổ thông
Cổ đông phổ thông (hay cổ đông thường) là những người sở hữu cổ phần phổ thông (thường) – loại cổ phần cơ bản nhất được hình thành từ vốn điều lệ hoặc từ việc phát hành cổ phiếu. Trong một số trường hợp, cổ đông phổ thông có thể được gọi như sau:
- Cổ đông không kiểm soát: Là cổ đông nắm giữ dưới 50% số cổ phần của doanh nghiệp.
- Cổ đông thiểu số: Là cổ đông sở hữu số lượng cổ phần thấp so với một cổ đông khác đang nắm quyền kiểm soát công ty.
4. Cổ đông lớn
Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành. Cổ đông lớn thường nắm giữ nhiều quyền quyết định của doanh nghiệp hơn. Trên thực tế, quyền lợi trên mỗi giá trị cổ phần là hoàn toàn bình đẳng. Tóm lại, cổ đông lớn chỉ sở hữu nhiều cổ phần hơn nên chiếm được lợi thế trong việc biểu quyết một vấn đề hay một quyết định nào đó.
5. Cổ đông ưu đãi
Cổ đông ưu đãi là những cổ đông sở hữu cổ phiếu ưu đãi kèm theo và bị hạn chế một số quyền lợi khác so với cổ đông thường.
Quyền và nghĩa vụ của cổ đông
Quyền và nghĩa vụ của cổ đông được quy định theo luật pháp Việt Nam, cụ thể như sau:
1. Về quyền

Cổ đông sáng lập, cổ đông chiến lược, cổ đông phổ thông và cổ đông lớn có một số quyền hạn như:
- Quyền bỏ phiếu: Được tham gia bỏ phiếu và phát biểu trong các cuộc họp Đại hội cổ đông. Thực hiện các quyền như biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đại diện đã được ủy quyền theo pháp luật hoặc điều lệ công ty quy định.
- Quyền nhận cổ tức: Cổ đông sẽ nhận được cổ tức tương ứng với tỷ lệ cổ phần mà họ nắm giữ. Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể, cổ đông được nhận phần tài sản còn lại dựa vào tỷ lệ cổ phần đang nắm giữ.
- Quyền chuyển nhượng:
- Đối với cổ đông sáng lập: Trong vòng 3 năm đầu, tính từ ngày doanh nghiệp nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác. Trong trường hợp muốn chuyển nhượng cổ phần cho người ngoài, cổ đông sáng lập chỉ được thực hiện khi nhận được sự chấp thuận của các cổ đông còn lại trong cuộc họp Đại hội cổ đông. Sau 3 năm thành lập, cổ đông sáng lập sẽ có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho bất kỳ ai.
- Đối với cổ đông phổ thông: Có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho bất kỳ ai.
2. Về nghĩa vụ
Cổ đông sáng lập, cổ đông chiến lược và cổ đông lớn cần phải thực hiện các nghĩa vụ sau theo quy định của pháp luật:
- Thực hiện thanh toán đầy đủ và đúng hạn số lượng cổ phần đã cam kết mua.
- Không được phép rút vốn đã đóng góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức trừ trường hợp được nhà đầu tư khác mua lại cổ phần.
- Tuân thủ chặt chẽ các điều lệ và quy định quản lý nội bộ của doanh nghiệp.
- Chấp hành nghị quyết, chính sách của Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị.
- Thực hiện một số nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Vai trò của cổ đông trong doanh nghiệp
Cổ đông đóng vai trò rất quan trọng trong việc vần hành công ty cổ phần, bao gồm:
- Cổ đông sáng lập thành lập công ty cổ phần và đưa vào hoạt động góp phần phát triển chung cho nền kinh tế.
- Cổ đông là những người đầu tư góp vốn giúp cho doanh nghiệp có thể vận hành liên tục, việc kinh doanh không bị gián đoạn.
- Cổ đông gián tiếp tạo nên công ăn việc làm cho người lao động thông qua việc góp vốn, giúp doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự để kinh doanh sản xuất.
- Cổ đông chiến lược đưa ra các quyết định quan trọng giúp doanh nghiệp có tầm nhìn để phát triển trong tương lai.
Với những thông tin về cổ đông trong bài viết, hy vọng nó sẽ hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Bùi Khánh Linh