Trong chứng khoán, chỉ số EPS (viết tắt của từ “earnings per share”) được sử dụng để hỗ trợ nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng cũng như lợi nhuận có thể nhận được khi bỏ tiền vào mua cổ phiếu mua một doanh nghiệp. Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu hệ số EPS nghĩa là gì nhé!
Chỉ số EPS là gì?

EPS (Earnings Per Share) là tỷ suất thu nhập (sau thuế) trên mỗi cổ phiếu và thường được tính bằng lợi nhuận ròng trừ đi cổ tức ưu đãi rồi chia tất cả cho số lượng cổ phiếu bình quân gia quyền. Chỉ số EPS giúp nhà đầu tư đo lường khả năng sinh lời của một doanh nghiệp và thường được sử dụng để định giá cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ số EPS còn giúp các nhà đầu tư dễ dàng hiểu và so sánh giữa các loại cổ phiếu với nhau trong cùng một lĩnh vực.
Phân loại chỉ số EPS
Do tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường có nhiều diễn biến phức tạp nên chỉ số EPS được phân thành 2 loại, bao gồm:
1. EPS cơ bản
EPS cơ bản (Basic EPS) là chỉ số biểu thị thu nhập trên một cổ phiếu phổ thông. Đây là chỉ số được báo cáo phổ biến nhất trên các phương tiện truyền thông về tài chính.
2. EPS pha loãng
EPS pha loãng (Diluted EPS) là chỉ số được doanh nghiệp sử dụng khi phát hành các loại trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi hay ESOP như một cách pha loãng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu. Các loại chứng khoán nói trên sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu thường sau một vài năm phát hành. Và nếu số lượng cổ phiếu tăng lên thì thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ bị giảm.
Vì vậy, trong trường hợp này thì chỉ số EPS pha loãng được đánh giá có tính chính xác cao hơn và có khả năng ước tính, phản ánh được sự thay đổi của số lượng cổ phiếu qua các biến động.
Cách tính chỉ số EPS

Chỉ số ESP của doanh nghiệp được tính theo công thức sau:
EPS = (Lợi nhuận ròng – Cổ tức ưu đãi)/Số lượng cổ phiếu bình quân gia quyền
Chỉ số EPS pha loãng của doanh nghiệp được tính theo công thức sau:
EPS (pha loãng) = (Lợi nhuận ròng – Cổ tức ưu đãi)/(Số lượng cổ phiếu đang lưu hành + Lượng cổ phiếu sẽ được chuyển đổi)
Trong đó:
- Lợi nhuận ròng: Là tổng thu nhập của một doanh nghiệp sau khi đã hạch toán các khoản chi phí và thuế.
- Cổ tức ưu đãi: Là khoản tiền được ưu tiên thanh toán trước cho cổ đông ưu đãi từ lợi nhuận của công ty trước khi chia các cổ đông phổ thông khác.
- Cổ phiếu bình quân gia quyền: Được xác định bằng cách lấy số lượng cổ phiếu đang lưu hành nhân với tỷ lệ phần trăm của kỳ báo cáo mà số đó áp dụng cho từng thời kỳ.
Chỉ số EPS bao nhiêu là tốt?

Đôi khi, một công ty có thể báo cáo EPS của họ đang tăng, nhưng thực tế giá cổ phiếu có thể giảm nếu các nhà phân tích mong đợi một con số cao hơn. Tương tự như vậy, EPS bị thu nhỏ lại có thể dẫn đến sự tăng giá của cổ phiếu nếu các nhà phân tích mong đợi kết quả xấu hơn. Vậy, chỉ số EPS như thế nào là tốt?
Để đánh giá chỉ số EPS có tốt hay không cần dựa trên các yếu tố như hiệu suất của công ty, hoạt động của các đối thủ cạnh tranh và kỳ vọng của các nhà phân tích theo dõi cổ phiếu. EPS cho biết công ty thu được bao nhiêu tiền trên một cổ phiếu, thông thường thì chỉ số này càng cao thì lợi nhuận nhà đầu tư nhận được càng triển vọng và ngược lại.
Ý nghĩa của chỉ số EPS
Chỉ số EPS mang đến nhiều ý nghĩa trong việc tính toán hỗ trợ nhà đầu tư, cụ thể:
- EPS phản ánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc so sánh và lựa chọn mua các loại cổ phiếu.
- Chỉ số EPS được sử dụng để so sánh hiệu quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực hoạt động.
- Chỉ số EPS còn được dùng để tính chỉ số P/E.
Trên đây là tổng hợp những thông tin cần thiết về chỉ số EPS. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong hành trình đầu tư. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh