Nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng hoặc nhà cung ứng và hạn chế sự tác động của các sản phẩm/hàng hóa, dịch vụ độc quyền, Nhà nước thường áp đặt mức giá trần, giá sàn và giá tham chiếu. Vậy, “giá trần, giá sàn, giá tham chiếu dùng để làm gì và chúng ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế như thế nào?” là câu hỏi không phải ai cũng trả lời được. Hãy cùng mình tìm hiểu về các định nghĩa việc kiểm soát giá chi tiết trong bài viết này nhé!
Khái niệm giá trần, giá sàn và giá tham chiếu
Các khái niệm về việc kiểm soát giá bao gồm:
1. Giá trần là gì?
Giá trần (tiếng Anh: price ceiling) là mức giá cao nhất (tối đa) được Chính phủ quy định cho một loại sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ và buộc thị trường phải chấp nhận. Chính phủ thường áp đặt giá trần để giữ cho giá sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ không lên quá cao.
2. Giá sàn là gì?
Giá sàn (tiếng Anh: price floor) là mức giá thấp nhất (tối thiểu) được Chính phủ quy định cho một loại sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ và buộc thị trường phải chấp nhận. Chính phủ thường áp đặt giá sàn để giữ cho giá sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ không xuống quá thấp.

3. Giá tham chiếu là gì?
Giá tham chiếu (tiếng Anh: reference price) hay còn được gọi là giá tham khảo, là mức giá mà nhà cung cấp đưa ra để người tiêu dùng tham khảo, so sánh hoặc đối chiếu trước khi chi tiền để mua hàng hóa/dịch vụ. Do các doanh nghiệp thường thu thập ý kiến khách hàng về mức giá của sản phẩm/dịch vụ mà họ cung cấp. Chính vì vậy, giá tham chiếu thường thể hiện mức tiền mà người tiêu dùng mong muốn hoặc sẵn sàng chi trả cho hàng hóa/dịch vụ đó.
Mục đích của chính phủ khi áp đặt chính sách kiểm soát giá
Chính phủ thường áp đặt kiểm soát giá cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đảm bảo sự công bằng, có lợi cả cho người tiêu dùng và nhà cung ứng. Nhưng không phải bất kỳ loại hàng hóa nào cũng có thể áp dụng vì nó có thể gây ra tình trạng nhà cung ứng mất đi động lực kinh doanh – sản xuất. Do đó, đây thường được sử dụng như là một biện pháp tạm thời hoặc chỉ áp dụng cho một số sản phẩm đặc biệt.
- Giá trần: Thường được áp dụng trong các trường hợp giá cân bằng của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường quá cao, đang trong thời kỳ khan hiếm, đắt đỏ đối với người tiêu dùng. Khi đó, Chính phủ sẽ đặt mức giá trần thấp hơn giá cân bằng để khiến giá cả trở về mức phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng.
- Giá sàn: Mục đích của Chính phủ khi đặt ra giá sàn là để bảo vệ lợi ích nhà sản xuất, bảo vệ nguồn cung ứng. Giá sàn đóng vai trò quan trọng trong những trường hợp sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất quá lớn, chi phí sản xuất cao hơn giá cân bằng của sản phẩm, nhà sản xuất bị các bên trung gian lưu thông/phân phối nhằm ép giá. v.v… Khi đó, Chính phủ sẽ áp dụng giá sàn để giá sản phẩm bán ra cao hơn giá cân bằng, như vậy nhà sản xuất sẽ tránh được việc phải bán lỗ hoặc phá sản, cũng như giảm khả năng bán phá giá để cạnh tranh.
Giá trần, giá sàn và giá tham chiếu trong kinh tế vi mô
Giá trần, giá sàn và giá tham chiếu thường được được áp dụng trong thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì Chính phủ sẽ trực tiếp can thiệp vào việc kiểm soát giá để đảm bảo quyền lợi giữa các bên.
1. Đối với thị trường hàng hóa
Giá trần, giá sàn và giá tham chiếu đóng vai trò tạo ra phạm vi giá cho các sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ dựa vào đó để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mình. Phạm vi giá của hàng hóa hợp lý sẽ đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhiều người, kích thích tăng trưởng cho sản xuất. Giá trần, giá sàn và giá tham chiếu cũng góp phần tạo tính minh bạch trong giao dịch giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

2. Đối với thị trường chứng khoán
Giá trần, giá sàn và giá tham chiều là các khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực chứng khoán. Vậy, tại sao Chính phủ lại áp đặt các yếu tố kiểm soát giá như giá trần, giá sàn và giá tham chiếu vào các sản phẩm chứng khoán?
a. Giá trần trong chứng khoán
Giá trần trong chứng khoán là mức giá cao nhất (kịch trần) của một mã cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh trong phiên giao dịch. Điều đó có nghĩa là các lệnh mua bán cổ phiếu được đặt vượt mức giá trần thì sẽ hệ thống sẽ báo lỗi và không thể thực hiện được.
b. Giá sàn trong chứng khoán
Giá sàn trong chứng khoán là mức giá thấp nhất (kịch sàn) của một mã cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh trong phiên giao dịch. Điều đó có nghĩa là các lệnh mua bán cổ phiếu được đặt thấp hơn giá sàn thì sẽ hệ thống sẽ báo lỗi và không thể thực hiện được.
c. Giá tham chiếu trong chứng khoán
Giá tham chiếu trong chứng khoán được coi là mức giá đóng cửa của một mã cổ phiếu trong phiên giao gần nhất và là căn cứ xác định giá trần, giá sàn trong phiên giao dịch ngày hôm sau. Giá tham chiếu giữa các sàn giao dịch sẽ có sự khác nhau, cụ thể:
- Đối với sàn HNX và HoSE: Là giá đóng cửa của ngày giao dịch liền kề trước đó.
- Đối với sàn UPCoM: Là bình quân gia quyền giá của các giao dịch lô chẵn vào ngày giao dịch liền kề trước đó.
d. Cách tính giá trần, giá sàn và giá tham chiếu trong chứng khoán
Công thức tính giá trần, giá sàn và giá tham chiếu như sau:
Giá trần = Giá tham chiếu x (100% + Biên độ dao động giá)
Giá sàn = Giá tham chiếu x (100% – Biên độ dao động giá)
Giá tham chiếu = Giá đóng cửa của ngày giao dịch trước đó
Trong đó:
- Biên độ dao động giá của sàn HNX là ±10%
- Biên độ dao động giá của sàn HoSE là ±7%
- Biên độ dao động giá của sàn UPCoM là ±15%
e. Cách làm tròn giá trần và giá sàn sau khi tính ra kết quả
Thực tế, sau khi tính được giá trần và giá sàn thì đa số các két quả đều sẽ bị lẻ. Vì vậy, ta áp dụng quy tắc làm tròn giá như sau:
- Những cổ phiếu có giá trị nhỏ hơn 10.000 VNĐ thì bước giá phải chia hết cho 10 VNĐ.
- Những cổ phiếu nằm trong khoảng giá từ 10.000 VNĐ đến 50.000 VNĐ thì bước giá phải chia hết cho 50 VNĐ.
- Những cổ phiếu có giá trị lớn hơn 50.000 VNĐ thì bước giá phải chia hết cho 100 VNĐ.
Đặc điểm của giá trần, giá sàn và giá tham chiếu
Việc kiểm soát giá mang đến những ưu nhược điểm như sau:
- Ưu điểm:
- Luôn luôn giữ giá cả ở mức phù hợp, phải chăng.
- Đảm bảo lợi ích cho cả người mua và người bán.
- Ràng buộc và ngăn chặn việc đầu cơ, ép giá.
- Hướng tới kích cầu tiêu dùng và sản xuất.
- Nhược điểm:
- Có thể dẫn đến hiện tượng chênh lệch lớn giữa cung và cầu.
- Tăng hoặc giảm động lực cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng.
- Có dẫn tới khả năng cản trở sự phát triển của thị trường.
Việc kiểm soát giá của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát thị trường, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Vì vậy, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn đọc hiểu rõ hơn thế nào là giá trần, giá sàn và giá tham chiếu trong việc kiểm soát giá của chính phủ. Hãy tiếp tục theo dõi Khám Phá Tài Chính để cập nhật thêm các thông tin hữu ích khác về lĩnh vực tài chính nhé!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh