Nạn lạm phát diễn ra hàng năm luôn nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận bởi kinh tế sẽ gặp nhiều vấn đề tiêu cực. Trong bài viết này, mình sẽ giúp bạn tìm hiểu thế nào là lạm phát và những vấn đề liên quan.
Lạm phát là gì?

Lạm phát (inflation) là tình trạng tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian hoặc sự suy giảm giá trị tiền tệ lưu hành trong nước. Khi so sánh với quy mô các nước trên thế giới thì lạm phát còn là sự suy giảm giá trị tiền tệ của quốc gia này so với các loại tiền tệ của quốc gia khác. Nếu mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đó. Khi các yêu cầu của quy luật kinh tế hàng hóa bị vi phạm, đặc biệt là quy luật lưu thông tiền tệ thì lạm phát sẽ xuất hiện. Đặc điểm:
- Không ngẫu nhiên, chỉ xảy ra khi có sự không ổn định của cung – cầu trong khoảng thời gian ngắn.
- Ảnh hưởng chung đến hàng hoá dịch vụ của cả nền kinh tế chứ không tập trung riêng một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó.
- Lạm phát lâu dài tác động nghiêm trọng đến kinh tế của quốc gia. Vì vậy, các quốc gia luôn có các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro lạm phát ở mức thấp nhất.
Phân loại lạm phát
Các loại lạm phát sẽ thể hiện mức độ nghiêm trọng khác nhau như:
1. Lạm phát thông thường (từ 0% – dưới 10%)
Lạm phát thông thường (hay còn gọi là lạm phát tự nhiên) là tình trạng lạm phát có tỷ lệ chỉ một chữ số (dưới 10%) trên 1 năm, giá cả biến động nhỏ, nền kinh tế vẫn có thể hoạt động bình thường, người lao động ổn định được cuộc sống. Lạm phát thông thường thể hiện qua giá cả tăng chậm, lãi suất tiền gửi không quá cao, tình trạng mua bán và tích trữ hàng hóa số lượng lớn không xảy ra.
2. Lạm phát phi mã (từ 10% – dưới 1000%)
Lạm phát phi mã là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế tăng với tốc độ từ 2 (trên 10%) đến 3 (dưới 1000%) chữ số. Với lạm phát phi mã, nền kinh tế bị biến động, xu hướng tích trữ hàng hóa số lượng lớn, vàng bạc hay thậm chí là bất động sản và cho vay tiền ở mức lãi suất bất bình thường bắt đầu xuất hiện. Nếu lạm phát phi mã xảy ra thường xuyên, nền kinh tế sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, thậm chí dẫn đến sự thay đổi cấu trúc nghiêm trọng.
3. Siêu lạm phát (trên 1000%)
Siêu lạm phát (hyperinflation) là tình trạng lạm phát ở mức cực cao tàn phá nền kinh tế trầm trọng, tỷ lệ tăng giá chung trên 1000% trong 1 năm. Tình trạng này làm cho đồng tiền hầu như hoàn toàn bị mất giá trị, lưu thông hàng hóa tăng với tốc độ cực kỳ nhanh, không kiểm soát được mức giá, thị trường rơi vào trình trạng hỗn loạn, khủng hoảng tài chính diễn ra.
Công thức tính chỉ số tỷ lệ lạm phát
Tỷ lệ lạm phát (inflation rate) là cách tính sức mua của đồng tiền, thể hiện mức độ của lạm phát mức giá chung giữa kỳ hiện tại với kỳ trước đó. Tỷ lệ lạm phát được tính theo chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Sự thay đổi trong chỉ số CPI sẽ dùng để đánh giá những thay đổi về giá cả, xác định giai đoạn xảy ra lạm phát. Công thức tính tỷ lệ lạm phát như sau:
Tỉ lệ lạm phát = 100% x (Po – P-1)/P-1
Trong đó:
- Po: Mức giá cả trung bình của kỳ hiện tại.
- P-1: Mức giá trung bình của kỳ trước.
Hiện tượng lạm phát xảy ra khi nào?
Có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát có thể kể đến như:
1. Lạm phát do cầu kéo
Lạm phát do cầu kéo được hiểu là khi nhu cầu về thị trường hàng hóa, dịch vụ nào đó tăng lên lớn hơn nguồn cung thì giá cả cũng tăng theo. Ngoài ra, những mặt hàng khác tương tự hoặc liên quan có thể cũng kéo giá tăng lên, làm nền kinh tế biến động tích cực. Lý do có rất nhiều nhưng chủ yếu do dân số tăng, sở thích tiêu dùng thay đổi hoặc xuất hiện xu hướng mới.
2. Lạm phát do chi phí đẩy
Lạm phát do chi phí đẩy là sự tăng giá của hàng hóa và dịch vụ bởi các nguyên nhân như: giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, tiền lương tăng, thuế tăng,… làm cho doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí, giá cả bắt buộc phải tăng lên để đảm bảo lợi nhuận. Ngoài ra, một nguyên nhân dẫn đến lạm phát khác có thể khiến chi phí bị đẩy lên là do thiếu hụt nguồn cung hoặc do sự can thiệp của Chính phủ vào việc điều chỉnh giá thị trường.
3. Lạm phát do cơ cấu
Lạm phát do cơ cấu xảy ra khi có một doanh nghiệp tự điều chỉnh tăng giá sản phẩm, dịch vụ của mình với nhiều lý do khác nhau và các bên kinh doanh sản phẩm tương tự cũng tăng giá theo. Trường hợp khác, lạm phát do cơ cấu có thể do việc các doanh nghiệp liên hệ trao đổi với nhau để điều chỉnh (tăng) giá sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thị trường hoặc giá bán đề xuất của nhà phân phối.
4. Lạm phát do nhu cầu thay đổi
Lạm phát do nhu cầu thay đổi là khi thị trường giảm mong muốn tiêu thụ một mặt hàng nào đó, trong khi mặt hàng khác lại có lượng cầu đang tăng lên, nếu có bên phân phối độc quyền thì sẽ xuất hiện sự cứng nhắc của giá cả (chỉ tăng mà không giảm). Khi đó, mặt hàng có lượng cầu giảm vẫn không giảm giá, còn mặt hàng có lượng cầu tăng thì lại tăng giá, mức giá chung tăng lên dẫn đến lạm phát.
5. Lạm phát do xuất khẩu
Dấu hiệu lạm phát do xuất khẩu xảy ra khi hàng hóa cung cấp cho các quốc gia khác quá lớn dẫn đến thiếu hụt đạp ứng nhu cầu trong nước. Sự thiếu hụt này dẫn đến giá bán chung trong nước tăng lên, lạm phát xuất hiện.
6. Lạm phát do nhập khẩu
Lạm phát do nhập khẩu là khi hàng hóa được đưa từ các nước bên ngoài về thì thuế, chi phí và giá bán tăng dựa trên giá thành gốc khiến các sản phẩm trong nước cũng phải điều chính tăng theo.
7. Lạm phát tiền tệ
Lạm phát tiền tệ chủ yếu bắt nguồn từ việc Nhà nước in và phát hành thêm tiền. Lúc này lượng tiền được lưu thông tăng nhưng lượng hàng hóa sản xuất ra vẫn không đổi dẫn đến giá sản phẩm và dịch vụ tăng, đồng tiền bị giảm giá trị.
Hậu quả của lạm phát

Nhìn chung, lạm phát gây ra hậu quả bắt đầu từ sự tăng lên mức giá chung làm giảm sức mua của đồng tiền khiến cho việc chi tiêu của các cá nhân và tổ chức thêm phần hao hụt tài chính, suy giảm kinh tế. Những người muốn mua hàng hóa sẽ phải chỉ trả nhiều tiền hơn trong khi nguồn thu nhập cố định của họ không thay đổi. Ngoài ra, các cá nhân hoặc tổ chức đang nắm giữ tiền tệ sẽ bị suy giảm sức mua vàng bạc, ngoại tệ.
1. Ảnh hưởng tích cực

Lạm phát đội khi cũng có một số tác động tích cực đến nền kinh tế. Khi tốc độ lạm phát tự nhiên từ 0% đến 5% được duy trì ổn định ở các nước phát triển và dưới 10% ở các nước đang phát triển thì điều này thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế ở quốc gia khá ổn định và những lợi ích của lạm phát đem lại có thể kể đến như là:
- Thất nghiệp có xu hướng giảm, kích thích tiêu dùng, an toàn hơn khi vay nợ và đầu tư.
- Khả năng lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực kém ưu tiên và nội tệ của chính phủ tăng lên, giúp thu nhập được phân phối lại, các nguồn lực được phát triển theo định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định đã chọn lọc.
- Một quốc gia có thể duy trì lạm phát ở mức ổn định là việc không dễ dàng, đặc biệt là các nước đang phát triển.
- Lạm phát cầu kéo khiến nhu cầu của thị trường tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và mở rộng.
2. Ảnh hưởng tiêu cực
Hầu hết, tình trạng lạm phát gây ra những ảnh hưởng tiêu cực như:
- Lãi suất tăng: Khi lạm phát tác động trực tiếp lên lãi suất sẽ kéo theo ảnh hưởng đến những vấn đề khác của nền kinh tế. Ngân hàng sẽ phải ổn định lại lãi suất thực để duy trì hoạt động. Trong khi đó, lãi suất thực lại bằng hiệu của lãi suất danh nghĩa so với tỷ lệ lạm phát. Bởi vậy, khi có sự tăng cao của tỷ lệ lạm phát, để lãi suất ổn định và thực dương thì lãi suất danh nghĩa cần phải tăng lên cùng với tỷ lệ lạm phát. Việc tăng lãi suất danh nghĩa này sẽ kéo theo nhiều hậu quả, suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng,…
- Tiền tệ mất giá: Khi lạm phát tăng cao, thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những vấn đề phát sinh như chi phí vay, chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, chi trả sức lao động, trang thiết bị,…) khiến cho chất lượng cuộc sống của người dân bị giảm sút cho do giá trị hàng hóa tăng.
- Tích trữ hàng hóa: Do lo sợ sự tăng giá chung của hàng hóa khiến cho sức mua của đồng tiền bị suy giảm trong tương lai, nhiều người sẽ có tâm lý tích trữ của cải. Những người giàu có thể sẽ dùng tiền của mình để vơ vét, thu gom khiến cho tình trạng thiếu thốn hàng hóa xảy ra. Không những vậy, một số loại hàng hóa bị khan hiếm sẽ tiếp tục bị đội giá cao hơn do các hành vi đầu cơ.
Kiểm soát lạm phát

Có nhiều biện pháp kiềm chế, giảm lạm phát đã từng được thực hiện trước đây bao gồm:
1. Kích thích tăng trưởng kinh tế
Khi kinh tế tăng trưởng ngang bằng hoặc nhanh hơn so với tốc độ cung tiền thì tình trạng lạm phát sẽ không xảy ra mà thay vào đó là ổn định giá cả hoặc giảm phát. Bởi vậy, Chính phủ của các nước đều mong muốn sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, phát triển hơn để kéo nên kinh tế đi lên.
2. Chính sách tiền tệ
Các ngân hàng trung ương được giao nhiệm vụ giữ lãi suất cho vay liên ngân hàng với mức thấp, thường nằm trong mục tiêu khoảng từ 2 – 3% mỗi năm. Với phạm vi lạm phát ở mục tiêu thấp, trong khoảng đâu đó từ 2 – 6% mỗi năm thì sẽ ổn định được tăng trưởng cho các quốc gia.
3. Tỷ giá hối đoái cố định
Trong một quốc gia, đồng tiền là thước đo giá trị cho hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ. Tỷ giá hối đoái cố định dùng để ổn định giá trị của đồng tiền dựa vào các thước đo giá trị, vàng, đô la Mỹ,… Tuy nhiên, khi giá trị tham chiếu có biến động thì tiền tệ cũng sẽ biến động theo. Về cơ bản, điều này có nghĩa là tỷ lệ lạm phát của một quốc gia có thể được điều chỉnh và kiểm soát bởi tỷ giá hối đoái cố định. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái cố định cũng ngăn cản các Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ trong nước để đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô.
4. Bản vị vàng
Bản vị vàng là một hệ thống tiền tệ mà trong đó phương tiện trao đổi phổ biến với nó chính là tiền giấy. Trước khi tiền được phát hành, công cụ trao đổi giá trị chính là vàng. Nhưng do có nhiều bất cập khi sử dụng vàng (bao gồm việc khó chia nhỏ, giá trị lớn, khó khai thác, không dễ để sở hữu,…) nên người ta đã sử dụng những vật thay thế có kiểm soát như đồng tiền, ngân lượng hoặc ngân phiếu để thay thế. Từ đó, vàng đóng vai trò như một thước đo trao đổi trung gian và đặc tính của nó là được chấp nhận tại mọi quốc gia. Sử dụng bản vị vàng thay thế tiền tệ ở một phạm vi nhất định sẽ hiếm khi gặp các tính trạng lạm phát trên 2% mỗi năm bởi không có cách nào tạo ra vàng ngoài việc đào để khai thác.
5. Kiểm soát tiền lương và giá cả
Một biện pháp khắc phục lạm phát khác là việc kiểm soát tiền lương và giá cả, hay còn được hiểu là chính sách thu nhập. Nhìn chung, kiểm soát tiền lương và giá cả chỉ được coi là một biện pháp tạm thời có hiệu quả khi kết hợp với chính sách nhằm giảm các nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát trong hệ thống. Giá thấp một cách giả tạo thường gây ra tình trạng phân phối thiếu hụt, khuyến khích đầu tư trong tương lai. Biện pháp này tạo nên suy thoái nhưng lại hiệu quả hơn trong việc giảm lạm phát (giảm nhu cầu tăng và tỷ lệ thất nghiệp), ngăn chặn việc nhu cầu cao hơn cung cấp.
6. Trợ cấp chi phí sinh hoạt
Sức mua thực tế của các khoản thanh toán cố định bị xói mòn bởi lạm phát trừ khi chúng được điều chỉnh để lạm phát giữ giá trị thực không đổi. Ở nhiều quốc gia, hợp đồng lao động, trợ cấp hưu trí và phúc lợi của chính phủ (chẳng hạn như an sinh xã hội) có liên quan đến chỉ số giá sinh hoạt, thường là chỉ số giá tiêu dùng. Tại các nền kinh tế có mức lạm phát thấp hàng năm, tiền lương thường được điều chỉnh. Việc điều chỉnh hợp đồng lao động hàng năm có thể chỉ định tăng tỷ lệ phần trăm lương của người lao động trong tương lai. Các đợt tăng lương thương lượng này thường được gọi là điều chỉnh hoặc tăng chi phí sinh hoạt vì chúng tương đương với mức tăng giá chung tăng lên trên thị trường.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin khái niệm về lạm phát và những vấn đề xung quanh. Hy vọng với bài viết này sẽ hữu ích với bạn!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc