Nợ xấu ngày càng phổ biến trong xã hội ngày nay, đặc biệt là khi sử dụng dịch vụ vay vốn của ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Hãy cùng mình tìm hiểu về định nghĩa nợ xấu trong bài viết này nhé!
Nợ xấu là gì?

Nợ xấu (bad debt hay non-performing loan) là các khoản nợ khó đòi mà con nợ đã không trả đúng thời hạn hoặc bị nghi ngờ về khả năng trả cả vốn lẫn lãi cho chủ nợ. Các khoản nợ quá hạn này sẽ không thể hoàn trả khi các con nợ tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản.
Đối với nhóm nợ xấu ngân hàng, khách hàng vay thường là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc tuyên bố đã phá sản. Các khoản vay của doanh nghiệp nợ xấu thường quá thời hạn thanh toán trên 90 ngày hoặc tùy thuộc vào điều khoản của hợp đồng tín dụng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu bao gồm:
- Văn hóa tín dụng: Hầu hết các khoản nợ xấu là do quyết định của người vay. Đôi khi người vay quyết định đủ điều kiện cho các khoản vay mà không cần suy nghĩ về tương lai và những gì họ phải trả.
- Môi trường vĩ mô – vi mô đột ngột thay đổi: Các vấn đề đến từ bên ngoài như dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát ảnh hưởng không nhỏ đến nợ xấu ở bất kỳ quốc gia nào. Nếu thị trường đột nhiên thay đổi và giá của các hàng hóa tăng lên do thiếu hụt hoặc nhu cầu lớn hơn, người vay sẽ không kịp thích ứng, khoản thu nhập có thể sẽ không trả được các khoản vay.
- Bất động sản thay đổi: Bất động sản là một trong những công cụ chủ lực của tín dụng. Nếu giá bất động sản giảm đồng nghĩa với việc những bên cho vay thế chấp tài sản để đối phó với các khoản nợ xấu ngày càng ít đi. Điều này nghĩa là bên cho vay sẽ mất tiền thay vì kiếm được lãi.
- Năng lực, trách nhiệm của ngân hàng và các tổ chức tín dụng: Năng lực của ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng là một trong các nguyên nhân của dẫn đến nợ xấu. Một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả sẽ có thể điều chỉnh lãi suất cho vay và các điều khoản cho thị trường hiện tại để giảm tình trạng nợ xấu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều cán bộ, nhân viên đã thông đồng với những người đi vay “rút ruột” tiền của ngân hàng để trục lợi.
- Năng lực và trách nhiệm của người đi vay: Nguyên nhân chính của nợ xấu chính là từ những người đi vay, họ không có khả năng trả nợ hoặc đã phá sản. Có những người chọn phương án đi vay tiền từ một tổ chức tài chính khác để trả các khoản nợ xấu trước đó, điều này khiến cho họ luôn quanh quẩn trong vòng tròn nợ nần và không thể thoát ra được.
- Quy định của pháp luật chưa minh bạch, vẫn còn lỏng lẻo: Các quy định của pháp luật vẫn còn lỏng lẻo không phát huy được hiệu quả trong việc giải quyết nợ xấu. Bên cho vay và bên vay luôn tìm ra các kẽ hở của pháp luật để luồn lách dẫn đến tình trạng nợ xấu không được cải thiện mà còn có xu hướng tăng cao.
Các nhóm nợ xấu
Dưới đây là danh sách 5 nhóm nợ xấu ngân hàng theo phân loại của CIC (Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam):
Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn
Bao gồm các khoản nợ được đánh giá là có khả năng thu hồi kịp hoặc quá hạn dưới 10 ngày. Với nhóm nợ này, đối tượng hoàn toàn có thể tiếp tục vay mượn trong tương lai.
Nhóm 2: Nợ cần chú ý
Bao gồm các khoản nợ trễ hạn thanh toán từ 10 đến 90 ngày và được điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ lần đầu. Với nhóm này, thời gian để xóa lịch sử nợ xấu là 12 tháng. Sau khoảng thời gian này, nếu bên vay thanh toán các khoản vay đúng thời hạn và chứng minh được khả năng tài chính của mình thì các tổ chức tài chính sẽ tiếp tục cho vay.
Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn
Bao gồm các khoản nợ trễ hạn thanh toán từ 91 đến 180 ngày. Khoản nợ đã được điều lại thời hạn thanh toán lần thứ hai cùng với đó là được miễn hoặc giảm lãi suất. Lịch sử nợ xấu nhóm 3 sẽ được lưu trữ trong báo cáo quan hệ tín dụng cá nhân lên tới 5 năm và gần như không có khả năng tiếp tục vay tiền.
Nhóm 4: Nợ nghi ngờ
Bao gồm các khoản nợ trễ hạn từ 181 đến 360 ngày. Khoản nợ sẽ được điều chỉnh lại kỳ hạn thanh toán đến lần thứ ba và thời gian tối thiểu để xóa lịch sử tín dụng lưu trữ trên hệ thống của CIC là 5 năm. Đối tượng thuộc nhóm nợ xấu này sẽ bị ngân hàng và các tổ chức tín dụng từ chối cho vay.
Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn

Bao gồm các khoản nợ trễ hạn trên 360 ngày và bị coi là đã mất hoàn toàn khả năng trả nợ. Đối tượng thuộc nhóm nợ xấu này không thể tiếp tục vay tiền. Thời gian để CIC xóa lịch sử tín dụng của nhóm nợ xấu này tối thiểu là 5 năm.
Nợ xấu có những ảnh hưởng gì?
Những ảnh hưởng của nợ xấu không chỉ dừng lại đến bên cho vay và bên vay mà nó còn lan rộng đến nhiều mặt khác trong xã hội:
- Ảnh hưởng đến bên nợ xấu: Người có nợ xấu sẽ khó khăn hơn trong việc vay mượn từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Điều này phụ thuộc vào việc đối tượng bị rơi vào nhóm nợ xấu nào. Nếu thuộc nhóm 1 hoặc 2 thì đối tượng vẫn sẽ được xem xét đề nghị vay mượn tùy thuộc vào mức độ thanh toán các khoản nợ có đúng hạn hay không và khả năng có thể hoàn trả nợ trong tương lai. Nếu đối tượng thuộc các nhóm nợ xấu 3, 4 hoặc 5 lại thì xếp hạng tín dụng ở mức thấp, các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ từ chối cho vay.
- Không được sử dụng các dịch vụ của ngân hàng: Bởi vì xếp hạng tín dụng thấp nên đồng nghĩa với việc ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ không cung cấp thẻ tín dụng, hỗ trợ chi tiêu qua thẻ hay một số dịch vụ khác.
- Mất tài sản đảm bảo khi vay: Khi không thể thanh toán các khoản nợ, có nghĩa là đối tượng được xếp vào nhóm nợ xấu 4 hoặc 5. Tùy vào thời hạn nợ xấu được điều chỉnh lại, nếu đối tượng vẫn không trả đủ, ngân hàng sẽ lấy vật thế chấp để thay thế cho khoản nợ đó.
- Ảnh hưởng đến gia đình người đi vay: Thường thì người đi vay không trả được nợ thì người thân sẽ phải cùng gánh trách nhiệm cùng. Trong nhiều trường hợp, người đi vay sử dụng sổ hộ khẩu, giấy tờ nhà làm vật thế chấp vay mượn. Điều này ảnh hưởng gia đình và cuộc sống của họ.
- Ảnh hưởng đến ngân hàng, tổ chức tín dụng: Việc cho vay và không thu hồi được vốn khiến cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng bị thất thoát tiền bạc, lợi nhuận giảm. Đồng thời, điều này còn làm giảm uy tín và khả năng huy động vốn của ngân hàng.
- Ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội: Nợ xấu tăng cao và kéo dài khiến cho nền kinh tế bị trì trệ, giảm khả năng vay vốn và ảnh hưởng đến uy tín của một đất nước, các nhà đầu tư e ngại khi xuống tiền.
Quy định về xóa nợ xấu
Xóa nợ xấu được thực hiện theo đúng quy định của ngân hàng nhà nước và hiến pháp Việt Nam. Điều kiện tiên quyết trong việc xóa nợ xấu là đối tượng cần phải thanh toán toàn bộ số tiền gốc và tiền lãi. Sau thời điểm thanh toán hết nợ xấu 12 tháng thì lịch sử tín dụng trên hệ thống CIC sẽ được gỡ bỏ. Với khoản nợ xấu dưới 10 triệu đồng, sau khi thanh toán, thông tin nợ xấu sẽ được xóa ngay khi ngân hàng có báo cáo với CIC. Còn đối với khoản nợ trên 10 triệu đồng, đối tượng cần yêu cầu xác minh khoản nợ với ngân hàng.
Khả năng được tiếp tục vay của đối tượng sẽ phụ thuộc vào nhóm nợ xấu đang áp dụng. Nhóm 1 và 2 có thể được xét duyệt đơn vay vốn bởi một số ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Khi đó họ sẽ xem xét và tìm hiểu nguyên nhân nợ xấu của đối tượng. Còn đối với nhóm 3, 4 và 5 thì đối tượng sẽ không được vay trong vòng 5 năm tiếp theo cho đến khi hoàn thành khoản nợ.
Với những chia sẻ ở trên, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ hơn như thế nào là nợ xấu và những quy định liên quan đến nó. Hãy để lại bình luận phía dưới bài viết nếu bạn có đóng góp ý kiến khác nhé!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc