Bản thân mỗi cá nhân đều phải quản lý chi tiêu nếu không muốn rơi vào những hoàn cảnh rủi ro liên quan đến tiền bạc trong cuộc sống. Hãy tập cho mình thói quen quản lý chi tiêu ngay bây giờ!
Tài chính cá nhân là gì?
Tài chính cá nhân (personal finance) là việc quản lý tài chính của mỗi cá nhân hoặc hộ gia đình thực hiện để lập ngân sách và chi tiêu sao cho tối ưu nhất, có tính đến các rủi ro trong tương lai. Việc quản lý tài chính cá nhân phụ thuộc vào thu nhập, chi phí sinh hoạt và phải lường trước những rủi ro có thể xảy ra để xây dựng một kế hoạch phát triển, đạt được các mục tiêu đề ra.
Vì sao bạn nên quản lý tài chính cá nhân?

Quản lý tài chính cá nhân thông minh đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích giúp bạn định hướng cuộc sống hiện tại, tương lai, và cả sự thành công. Có sự quản lý tài chính chặt chẽ, bạn sẽ yên tâm hơn trong cuộc sống và nhận được những giá trị to lớn như:
- Cuộc sống hiện tại ổn định hơn, tránh được rủi ro về tiền bạc.
- Gia tăng tài sản cá nhân và nâng cao mức sống.
- Luôn có quỹ dự phòng cho tình huống bất ngờ xảy ra.
- Phục vụ cho các dự định tương lai như: cưới hỏi, mua nhà, mua xe,…
- Kế hoạch sử dụng đồng tiền hiệu quả, hợp lý.
4 cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhiều người thành công áp dụng
Dưới đây là những cách quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng trên thế giới được nhiều người áp dụng:
1. Quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc 50/30/20

Quy tắc 50/30/20 là một quy tắc quản lý tài chính khá nổi tiếng được giới thiệu trong cuốn sách All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan. Với quy tắc này, bạn sẽ chia thu nhập của mình thành 3 phần chính:
- Nhu cầu thiết yếu (50% tổng thu nhập): Để chi trả cho các khoản phí như tiền điện, tiền nước, tiền ăn, chi phí đi lại, tiền nhà,…
- Chi tiêu cá nhân (30% tổng thu nhập): Để chi trả cho các hoạt động dành cho bản thân bao gồm giải trí, du lịch, ăn uống hàng quán,…
- Mục tiêu tài chính (20% tổng thu nhập): Để vào các quỹ bao gồm tiết kiệm, trả nợ và quỹ dự phòng.
Quy tắc 50/30/20 rất đơn giản và dễ hiểu, ai cũng có thể lên kế hoạch quản lý quỹ tài chính cá nhân của mình một cách linh hoạt dựa trên tổng mức thu nhập.
2. Quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc 6 chiếc lọ

Nguyên tắc 6 hũ tài chính của tác giả Harv Eker được nhiều người áp dụng thành công, trong đó có nhiều doanh nhân và tỷ phú trên thế giới. Đây là một quy tắc đơn giản và rất dễ áp dụng, số tiền được phân chia cho 6 chiếc lọ tài chính phù hợp với tổng thu nhập hàng tháng của mỗi người cho dù là nhiều hay ít.
- Lọ thứ nhất (nhu cầu thiết yếu – 55% tổng thu nhập): Quỹ này sẽ chi trả cho các nhu cầu cơ bản như tiền điện nước, tiền thuê nhà, tiền ăn, mua sắm cần thiết,…
- Lọ thứ 2 (quỹ đầu tư – 10% tổng thu nhập): Đây là khoản bạn sử dụng để tham gia các hoạt động như gửi tiết kiệm, đầu tư, góp vốn kinh doanh,…
- Lọ thứ 3 (quỹ giáo dục – 10% tổng thu nhập): Đây là số tiền bạn có thể chi trả cho các khóa học kỹ năng, kiến thức và nâng cao tri thức bản thân.
- Lọ thứ 4 (quỹ tiết kiệm dài hạn – 10% tổng thu nhập): Quỹ này dùng cho mục đích tiết kiệm, dự định dài hạn hoặc dự phòng cho bệnh tật, rủi ro công việc, v.v…
- Lọ thứ 5 (quỹ hưởng thụ – 10% tổng thu nhập): Khi bạn muốn chi tiêu để tận hưởng cuộc sống thì đây sẽ là khoản tiền thích hợp nhất. Số tiền này giúp bạn hạnh phục hơn để tiếp tục làm việc, học tập và phát triển bản thân.
- Lọ thứ 6 (quỹ từ thiện – 5% tổng thu nhập): đây là quỹ bạn có thể giúp đỡ những người khó khăn xung quanh. Cho đi cũng là một phần của cuộc sống, thể hiện sự biết ơn đối với những người đã giúp đỡ bạn.
3. Quản lý tài chính cá nhân bằng app trên điện thoại thông minh
Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng quản lý chi tiêu được phát triển để trở thành cánh tay phải đắc lực giúp cho người trẻ dễ dàng hơn trong việc theo dõi các khoản chi tiêu hàng tháng. Bạn có thể dễ dàng ghi chép lại các khoản thu chi hàng ngày theo các chi tiết như du lịch, ăn uống, sinh hoạt,… để kiểm soát chi tiêu thuận lợi hơn. Một số app quản lý tài chính bạn có thể sử dụng như: Money Lover, MISA MoneyKeeper, 1Money,…
4. Quản lý tài chính cá nhân theo phương pháp Kakeibo của người Nhật
Phương pháp Kakeibo là tạo ra một quyển sổ ghi chép tất cả các khoản chi tiêu tài chính vào mà không thông qua bất cứ một ứng dụng hoặc trang web trung gian nào. Bạn có thể tự viết ra những kế hoạch chi tiêu của bản thân hay kể cả gia đình trong hiện tại và cả tương lai. Bằng việc ghi chép trực tiếp từng khoản chi tiêu vào sổ, bạn sẽ có những quan sát và phân tích để nhận thức được thói quan tiêu dùng của mình. Toàn bộ phương pháp Kakeibo xoay quanh 4 câu hỏi chính:
- Thu nhập bao nhiêu?
- Tiết kiệm bao nhiêu?
- Chi tiêu bao nhiêu?
- Làm thế nào để cải thiện?
Để thực hiện phương pháp Kakeibo, bạn cần liệt kê chi tiết các khoản chi tiêu hàng tháng, số tiền tiết kiệm hàng tháng cho dự định và mục tiêu tài chính trong tương lai. Sau đó, ghi chép số tiền chi tiêu theo từng khoản mục: thiết yếu (tiền điện, nước, thực phẩm,…), không thiết yếu (cà phê, giao lưu bạn bè, rượu bia,…), hưởng thụ (mua sắm, xem phim, du lịch,…), phát sinh (ma chay, đám cưới, họp lớp,…), v.v… Xây dựng cam kết tài chính, nhìn nhận, tổng kết chi tiêu hàng tháng, quý, năm.
10 nguyên tắc bạn cần lưu ý khi quản lý tài chính cá nhân
Các nguyên tắc cơ bản về tài chính cá nhân mà ai cũng nên biết để vững vàng ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống.
1. Vững vàng tâm lý
Nguyên tắc đầu tiên đó chính là phải có kỷ luật, nhất quán, vững vàng trong suy nghĩ. Nhiều người có tính “cả thèm chóng chán”, chỉ duy trì được một thời gian ngắn liền bỏ cuộc, việc quản lý tài chính cá nhân không thể mang tới thành công. Ngoài ra, hãy suy nghĩ kỹ trước khi mua bất cứ một đồ nào, đừng ham rẻ mà hãy là một người tiêu dùng thông minh, ưu tiên chất lượng hơn số lượng.
1. Rà soát chi tiêu
Bạn nên tạo một danh sách rà soát chi tiết các khoản chi tiêu để có thể biết mình dùng khoản tiền đó có ích hay không. Khi nắm rõ được đích đến của các khoản tiền, bạn sẽ có những điều chỉnh sao cho nguồn tiền được sử dụng hợp lý, dễ dàng quyết định số tiền dành cho từng mục để từ đó hạn chế việc chi tiêu quá khả năng hàng tháng.
2. Tiết kiệm
Ông cha ta có câu “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” dùng để khuyên bảo con cháu phải sống tiết kiệm, giàu cũng không nên hoang phí. Tiết kiệm là đức tính tốt được áp dụng bởi rất nhiều đối tượng, kể cả giàu hay nghèo. Tiết kiệm chính là khoản đầu tư cho tương lai mà bạn nên thực hiện càng sớm càng tốt.
3. Hạn chế dùng thẻ tín dụng
Sử dụng nhiều thẻ tín dụng có thể khiến bạn mất kiểm soát tài chính cá nhân tạo ra những khoản nợ khó trả. Nếu có thể, hãy hạn chế tối đa việc sử dụng loại thẻ này bởi các hạn mức thẻ lớn và nhiều ưu đãi khi thanh toán qua thẻ tín dụng có thể khiến bạn vung quá tay cho những lần mua sắm. Bạn cần suy nghĩ kỹ trước sử dụng thẻ tín dụng và phải ưu tiên trả hết khoản nợ khi đến kỳ hạn thanh toán.
4. Lập quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng là một khoản tiền tiết kiệm đặc biệt không dùng cho mục đích sinh hoạt mà dùng cho các trường hợp bất khả kháng như tai nạn, bệnh dịch, bạo động hoặc sự kiện bất ngờ như đám ma, đám cưới, đám hỏi,… Quỹ dự phòng sẽ giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn hoặc dự trù trước khoản chi để cuộc sống bớt lo nghĩ hơn.
5. Chấp nhận rủi ro

Bạn có một khoản tiền “nhàn rỗi” để tiết kiệm và dự phòng rủi ro trong tương lai. Tuy nhiên, bạn có thể có thêm thu nhập từ khoản tiền này nếu đem chúng đi đầu tư. Hãy nhớ rằng lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao, bạn cần phải tìm hiểu kỹ trước khi tham gia. Để giảm thiểu rủi ro, bạn không nên “bỏ hết trứng vào cùng một giỏ”, chia khoản tiền nhàn rỗi của mình ra và đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau.
6. Đừng vay nếu không thể trả
Các khoản nợ khiến bạn luôn đau đầu tìm cách để trả. Hãy chắc chắn rằng bạn có đủ khả năng trả hết những gì bạn nợ, nếu không theo thời gian tiền lãi sẽ càng cao. Thoát khỏi nợ nần, có một cuộc sống tự do về tài chính, tự tin ngẩng cao đầu luôn là mong muốn của bạn, phải chứ?
7. Lập kế hoạch tài chính
Lập một kế hoạch tài chính cụ thể sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về các khoản sẽ chi trả trong một thời gian dài, loại bỏ rủi ro về tiền bạc trong tương lai. Kế hoạch chi trả từng khoản cũng được chỉnh sửa để phù hợp từng hoàn cảnh, làm động lực thúc đẩy quyết tâm đạt được các mục tiêu tài chính.
8. Tăng thêm thu nhập
Đừng ôm suy nghĩ một nghề là đủ vì bạn sẽ không biết được lúc nào mình sẽ mất việc đâu. Gia tăng thu nhập bằng các nguồn khác nhau mang đến nhiều lợi ích, giúp bạn chủ động hơn về dòng tiền, giảm sự phụ thuộc vào các công việc cố định hiện tại. Với một số người, công việc cố định chỉ là một nguồn thu nhập phụ, còn dòng tiền chính được sản sinh từ các nguồn đầu tư khác nhau. Hãy cố gắng suy nghĩ đến các khả năng tăng thu nhập của mình để thoát khỏi cảnh “chạy theo đồng tiền”, sớm đạt được tự do tài chính.
9. Đừng tin vào quảng cáo nhanh chóng giàu có
Hãy cảnh giác trước những lời nói như: “Sau một tháng mình mua được Iphone X, sau ba tháng mình mua được ô tô, sau nửa năm mình kiếm được gần 1000$/ngày. Bằng cách nào ư?…” hoặc những thông tin có nội dung tương tự. Những lời nói đó hoàn toàn là giả dối, tiền của bạn sẽ bốc hơi một cách nhanh chóng nếu bạn tham gia. Bạn nên nhớ rằng không có gì là miễn phí cả, và nếu giàu sang có thể đến một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy thì chắc ai cũng thành tỷ phú luôn rồi!
10. Tối giản hóa mức sống
Nguồn tài chính của bạn sẽ phát triển hay lụi tàn phụ thuộc rất nhiều vào hành vi tiêu dùng của bạn. Trước khi mua gì đó, bạn hãy dành một chút thời gian suy xét xem nó có thực sự cần thiết cho cuộc sống bạn không. Tỷ phú Warren Buffett đã từng nói:
Nếu bạn mua những thứ không cần thiết, sớm muộn bạn sẽ phải bán đi những thứ mình cần.
Tiền của bạn, bạn có thể tiêu theo ý của mình, không ai ngăn cấm được điều đó. Nhưng bạn đừng bận tâm đến việc mình phải theo quy chuẩn của một ai khác, quan trọng là tinh thần của mình có thoải mái hay không.
Có những người thành công họ sở hữu cho mình những tài sản vô cùng hào nhoáng nhưng lại không bị ràng buộc bởi bất cứ tiêu chuẩn đánh giá nào của xã hội. Chủ tịch của một tập đoàn hoàn toàn có thể đạp xe tới công ty như một phần sở thích trong cuộc sống mặc cho những người khác có nhìn vào và bàn tán, cho rằng đó là sự bất thường, lẽ ra phải thế này thế kia. Không cần phải bận tâm người khác đang nói gì, mặc kệ họ, rồi họ cũng sẽ phải trở về cuộc sống của chính mình mà thôi. Làm điều mình thích miễn không làm hại đến bất cứ ai là được.
Việc bạn tối giản hóa mức sống mình đang có giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền, không lãng phí vào những việc không đáng.
Như vậy, việc quản lý an toàn tài chính cá nhân là hết sức quan trọng. Nếu không, có thể bạn sẽ luôn rơi vào trạng thái lo lắng và hoang mang khi sử dụng tiền để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Hy vọng với bài viết này, bạn sẽ quản lý tài chính cá nhân của mình hiệu quả hơn. Nếu bạn có những đóng góp ý kiến, hãy comment cho mình và mọi người cùng biết nhé!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc