Cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại hai thái cực đối lập đó chính là cơ hội và rủi ro. Vậy, rủi ro đến từ đâu, có những loại rủi ro nào và mức độ thiệt hại của chúng ra sao thì hãy tìm câu trả lời thông qua bài viết này nhé!
Rủi ro là gì?

Rủi ro (risk) là những sự việc không may mắn hoặc biến cố có thể xảy ra đối với con người. Rủi ro khó có thể lường trước hay phòng tránh và thường để lại hậu quả ngoài mong muốn. Ảnh hưởng của rủi ro tác động tiêu cực đến những thứ mà con người coi trọng như: sức khỏe, tài sản, hạnh phúc, môi trường, v.v…
Thực tiễn cho ta thấy khi cuộc sống con người càng trở nên hiện đại, phát triển, các hoạt động đời sống càng đổi mới, phức tạp thì những rủi ro mà con người phải đối diện càng thêm đa dạng và khó nắm bắt.
Nguyên nhân dẫn đến rủi ro
Rủi ro có thể bắt nguồn từ yếu tố chủ quan và cả khách quan như sau:
1. Nguyên nhân chủ quan
Nguyên nhân chủ quan dẫn đến rủi ro xuất phát từ những sai lầm có chủ đích hoặc vô ý của con người.
2. Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân khách quan có thể đến từ những yếu tố bên ngoài mà con người không thể kiểm soát. Các yếu tố khách quan có thể kể đến bao gồm:
- Yếu tố tự nhiên: Thiên tai, lũ lụt, hạn hán, bệnh dịch,…
- Yếu tố xã hội: Sự phát triển của công nghệ dẫn đến mối đe dọa về bảo mật thông tin.
- Yếu tố kinh tế – chính trị: Các cuộc xung đột, khủng bố khiến cho đời sống khó khăn, mạng sống con người bị đe dọa, v.v…
Các loại rủi ro
Có rất nhiều loại rủi ro khác nhau, phổ biến trong đó gồm có:
- Rủi ro kinh doanh: Là những rủi ro khiến doanh nghiệp phải chịu thiệt hại về vốn, tài sản hoặc mất thị phần.
- Rủi ro pháp lý: Là rủi ro xuất phát từ pháp luật hoặc các quy định, chế tài được thay đổi, bổ sung hoặc ban hành bởi Chính phủ.
- Rủi ro chiến lược: Là rủi ro đến từ kế hoạch kinh doanh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, gây thiệt hại hoặc cản trở mục tiêu.
- Rủi ro kinh tế: Là những vấn đề tiềm ẩn hoặc sự thay đổi có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
- Rủi ro ngoại hối, rủi ro tỷ giá: Là khả năng tổn thất mà ngân hàng phải gánh chịu phát sinh từ biến động của tỷ giá hối đoái giữa nội tệ và ngoại tệ.
- Rủi ro lạm phát: Là rủi ro xảy ra sau khi đồng tiền mất giá khiến cho giá trị hàng hóa tăng.
- Rủi ro môi trường: Là những sự cố, hiểm họa có thể đe dọa, gây hại tới môi trường sống của con người.
- Rủi ro xã hội: Là rủi ro liên quan đến nhóm các cá nhân xuất phát từ những vấn đề về nhu cầu cơ bản như: thực phẩm, vệ sinh, y tế, an ninh,… để lại nhiều thiệt hại cho con người.
- Rủi ro tài chính: Là những nguy cơ gây ra tổn thất đến tài chính trên thị trường, ảnh hưởng đến hàng hóa, chứng khoán, bất động sản, tiền tệ,…
- Rủi ro tín dụng: Là nguy cơ khách hàng không không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng khiến ngân hàng và các tổ chức tín dụng không thu hồi được nợ đúng hạn.
- Rủi ro thanh khoản: Là rủi ro xảy ra khi khả năng chuyển đổi các loại tài sản thành tiền thấp.
- Rủi ro kiểm toán: Là rủi ro trong quá trình kiểm toán dẫn đến báo cáo sai sót có ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính doanh nghiệp.
- Rủi ro lãi suất: Là rủi ro xuất phát từ sự thay đổi bất lợi về thu nhập hoặc tài sản của ngân hàng khiến lợi nhuận suy giảm.
- Rủi ro kiểm soát: Là nguy cơ xảy ra sai sót mà hệ thống kiểm soát không ngăn ngừa hết hoặc không kịp phát hiện và sửa chữa kịp thời.
- Rủi ro hệ thống (rủi ro thị trường): Là những rủi ro có ảnh hưởng đến phần lớn hoặc toàn bộ thị trường bởi những biến động có sự tác động lẫn nhau như lạm phát, lãi suất, tỷ giá tiền tệ,…
- Rủi ro đầu tư: Là nguy cơ gây ra thua lỗ, thiệt hại về tài sản khi kế hoạch đầu tư diễn ra không như dự định.
- Rủi ro chứng khoán: Là rủi ro khiến nhà đầu tư mất tiền do những biến động xấu làm cho giá chứng khoán giảm.
- Rủi ro trái phiếu: Là mối đe dọa khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đủ khả năng trả nợ hoặc thanh toán lãi cho nhà đầu tư.
- Rủi ro tiềm tàng: Là rủi ro tiềm ẩn dẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
- Rủi ro chính trị: Là khả năng xảy ra bất lợi đối với hoạt động phát triển quốc gia do ảnh hưởng của tình hình chính trị.
- Rủi ro đạo đức: Là rủi ro phát sinh khi chủ thể kinh tế bị suy thoái đạo đức, không thực hiện nghĩa vụ mà tìm cách thu lợi cho bản thân.
- Rủi ro dự án: Là những biến cố không lường trước phát sinh trong quá trình tiến hành dự án.
- Rủi ro quốc gia: Là rủi ro đến từ quá trình đầu tư trong một quốc gia cụ thể và ảnh hưởng hưởng xấu đến giá trị tài sản trong nước.
- Rủi ro sự kiện: Là rủi ro xảy ra những sự kiện bất ngờ có ảnh hưởng xấu đến những bên liên quan.
- Rủi ro đầu cơ: Là rủi ro có khả năng dẫn đến vỡ nợ, phá sản do hoạt động đầu tư mua vào và ôm quá nhiều trong khi giá trị của nó tiếp tục suy giảm.
- Rủi ro vỡ nợ: Là nguy cơ một cá nhân hoặc doanh nghiệp không đủ khả năng thanh toán theo nghĩa vụ.
- Rủi ro lấy mẫu: Là rủi ro có thể xảy ra khi kiểm toán viên thực hiện lấy mẫu kiểm toán và để lại sai sót.
- Rủi ro danh tiếng: Là biến cố gây ra bởi những sự kiện không kiểm soát hoặc dư luận tiêu cực dẫn đến ảnh hưởng xấu cho uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp, v.v…
Mức độ rủi ro

Trong cùng một điều kiện, cùng một khả năng xảy ra rủi ro, mức độ thiệt hại của mỗi chủ thể là khác nhau từ thấp đến cao phụ thuộc vào đặc tính và khả năng đối mặt với rủi ro. Để đánh giá mức độ rủi ro cần xét trên hai tiêu chí:
- Tần suất rủi ro: Là số lần xảy ra các mối nguy hiểm trên cùng một đơn vị thời gian. Khi tần suất rủi ro cao thì mức độ thiệt hại cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận.
- Mức độ thiệt hại: Là mức độ của hậu quả mà rủi ro để lại cho một đối tượng. Cùng một rủi ro nhưng đối với những chủ thể khác nhau (điều kiện sống, khả năng gánh chịu và vượt qua rủi ro) thì hậu quả để lại sẽ có ảnh hưởng không giống nhau.
Các dạng tổn thất
Rủi ro có trong mọi lĩnh vực của đời sống và gây ra nhiều loại tổn thất, bao gồm:
- Tổn thất về vật chất: Là những thiệt hại liên quan đến tài sản có thể thay thế, bù đắp hoặc thu hồi được.
- Tổn thất về tinh thần: Là những mất mát thuộc về giá trị tinh thần khó có thể bù đắp hoặc thay thế.
- Tổn thất về sức khỏe: Là thiệt hại về sức khỏe, mạng sống của con người và không thể được bù đắp hay thay thế.
Rủi ro luôn tồn tại trong cuộc sống dưới nhiều hình thức và để lại những thiệt hại khác nhau. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về rủi ro cũng như biết cách phòng ngừa thiệt hại từ những nguy hiểm xung quanh.
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh