Khi tìm hiểu về kinh tế thị trường, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua về cụm từ “suy thoái kinh tế”. Vậy, thế nào là suy thoái kinh tế? Nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của nó đến đời sống như thế nào? Hãy cùng mình đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!
Suy thoái kinh tế là gì?
Suy thoái kinh tế (tiếng Anh: recession/economic depression/economic downturn/economic collapse) là giai đoạn nền kinh tế của một hoặc nhiều khu vực bị suy yếu, suy giảm trong khoảng thời gian kéo dài. Đây được coi như một phần tất yếu của chu kỳ kinh tế sau thời kỳ phát triển và bình ổn. Nếu tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng và lâu dài sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, nghiêm trọng hơn là một cuộc Đại suy thoái đã từng diễn ra trong lịch sử từ năm 2007 – 2009.
Khi xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhiều doanh nghiệp bị vỡ nợ và phá sản, khủng hoảng tài chính kéo dài dẫn đến lạm phát, các hoạt động đầu tư giảm đi đáng kể.
Nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế

Có rất nhiều lý thuyết được đưa ra nhằm cố gắng giải thích tại sao một nền kinh tế rơi vào suy thoái. Những lý thuyết này thường được phân loại thành các nhóm yếu tố về kinh tế, tài chính, tâm lý hoặc là sự kết hợp của tất các yếu tố. Một số nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng suy thoái kinh tế có thể kể đến như: khủng hoảng kinh tế, bong bóng kinh tế, giá cả thay đổi, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, lạm phát, v.v…
Dấu hiệu nhận biết suy thoái kinh tế
Có rất nhiều dấu hiệu để bạn nhận biết một nền kinh tế đang bị suy thoái. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời, thể hiện rõ ràng nhất trong đó bao gồm:
- Nền kinh tế tăng trưởng chậm dần: Khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại hoặc giảm dần đều thì đây chính là dấu hiệu rõ ràng nhất để dự đoán về giai đoạn kinh tế suy thoái có thể xảy ra trong tương lai.
- Giá cổ phiếu giảm: Các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán khiến giá của cổ phiếu giảm mạnh.
- Lạm phát tăng cao: Khi mức độ lạm phát tăng cao hơn mức bình thường thì sẽ dẫn đến sức mua và tiêu thụ của người dân giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến suy thoái kinh tế.
- Tỷ lệ nợ xấu tăng: Tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc cá nhân, tổ chức đi vay tiền nhưng lãi suất lại vượt quá khả năng trả nợ của họ. Nếu trong thời gian dài nền kinh tế quốc gia không chuyển biến tích cực thì khi nợ xấu ở mức quá cao sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế.
- Chiến tranh thương mại: Các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới đối đầu nhau về các vấn đề chính trị, kéo theo đó là sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu.
- Thị trường lao động trì trệ: Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm phản ánh việc các doanh nghiệp đang phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm biên chế, và đây là chính dấu hiệu của suy thoái kinh tế.
- Tổng sản phẩm quốc nội giảm: Thu nhập của người dân ảnh hưởng trực tiếp đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thu nhập thấp đồng nghĩa với GDP thấp, phản ánh nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. v.v…
Hình dạng của suy thoái kinh tế

Để phân loại các kiểu suy thoái, giới kinh tế học thường dựa vào hình dáng của đồ thị tăng trưởng theo quý. Dưới đây là một vài kiểu suy thoái kinh tế đã từng xuất hiện:
- Suy thoái hình chữ V: Đây là kiểu suy thoái kinh tế nặng nề nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tốc độ phục hồi nhanh.
- Suy thoái hình chữ U: Đây là kiểu suy thoái diễn ra lâu hơn nhưng tốc độ hồi phục nhanh, có thể xuất hiện những biến động nhỏ trong gian đoạn này.
- Suy thoái hình chữ W: Còn được gọi là suy thoái kép, đây là kiểu suy thoái ngắn diễn ra 2 lần liên tiếp sau đợt phục hồi.
- Suy thoái hình chữ L: Đây là kiểu suy thoái kinh tế nghiêm trọng và không có xu hướng phục hồi trở lại.
- Suy thoái hình chữ K: Đây là kiểu suy thoái 2 giai đoạn, có cả hình chữ V và L xuất hiện ở các lĩnh vực khác nhau.
Những cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lớn nhất lịch sử cận đại
Lịch sử nhân loại tính đến thời điểm hiện tại ghi nhận 2 cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất bao gồm:
1. Đại khủng hoảng/suy thoái kinh tế toàn cầu năm 1929 – 1933
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 đến 1933 là giai đoạn khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử con người, kéo theo đó là giai đoạn đại suy thoái kéo dài cho đến tận năm 1939, đầu thế chiến thứ 2. Cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression) này bắt nguồn từ ngành tài chính – ngân hàng của nước Mỹ, sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia khác và gây ra chuỗi thiệt hại nặng nề cho không chỉ nền kinh tế mà còn cả tình hình chính trị các nước trên thế giới.

Đại khủng hoảng năm 1929 – 1933 còn được gọi là cuộc “khủng hoảng thừa”. Lý do là bởi bắt nguồn từ việc nền kinh tế của Mỹ đang ở trong giai đoạn hưng thịnh nhưng lại tồn tại những vấn đề tiêu cực như việc sản xuất mất cân đối, cung vượt quá cầu và tình trạng đầu cơ chứng khoán, tín dụng. Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang (Hoa Kỳ) – FED đã đưa ra các chính sách sai lầm khiến tình trạng khủng hoảng thêm trầm trọng dẫn đến lạm phát tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên đến 23%, dân lao động lâm vào cảnh nghèo khổ, hơn 9.000 ngân hàng đã bị phá sản.
2. Đại suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007 – 2009
Suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007 – 2009 được các chuyên gia nhận định là có mức độ tồi tệ lớn thứ 2 chỉ sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 – 1933. Cuộc Đại suy thoái (Great Recession) này khiến giá bất động sản giảm mạnh, hàng loạt hệ thống ngân hàng ở Mỹ bị sụp đổ, sau đó lan rộng sang các quốc gia khác.

Nguyên nhân gây ra cuộc đại suy thoái này được cho là xuất phát từ việc các tổ chức tài chính Mỹ đưa ra các khoản vay thế chấp mạo hiểm cho người mua bất động sản. Đối tượng được nhắm đến là những người có thu nhập thấp, khả năng trả nợ kém, rủi ro cho vay rất cao trong bối cảnh bùng nổ bong bóng bất động sản tại Mỹ. Hậu quả là đến năm 2008, hàng loạt ngân hàng đã sụp đổ, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc đại suy thoái. Nước Mỹ đã mất hơn 5 năm để khôi phục nền kinh tế trở lại như bình thường kể từ năm 2009.
Những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế
Suy thoái kinh tế ảnh hướng đến nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống. Các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng như sau:
1. Đối với Chính phủ
Suy thoái kinh tế gây ra tình trạng thị trường lao động trì trệ, buộc Chính phủ phải tạo ra nhiều việc làm để giải quyết vấn đề đó. Hệ quả là các khoản vay nước ngoài sẽ tăng vọt, dẫn đến công nợ cao.
Ngoài ra, suy thoái kinh tế trực tiếp làm giảm nguồn thu từ thuế, gây khó khăn trong việc trả lương công nhân viên chức. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thâm hụt, nợ Chính phủ cao hơn và khả năng đầu tư vốn vào các công việc chung trở nên khó khăn.
2. Đối với thị trường tài chính
Suy thoái là nguyên nhân khiến mọi hoạt động kinh tế bị đình trệ, kém phát triển. Việc giao thương suy giảm, thị trường chứng khoán đi xuống, vận tải biển không thể lưu thông, giá cả nguyên vật liệu tăng, v.v… dẫn đến thị trưởng khó phục hồi nếu không có chính sách phù hợp.
3. Đối với doanh nghiệp
Suy thoái kinh tế khiến cho các doanh nghiệp không thể kinh doanh trong điều kiện thuận lợi, phải cắt giảm chi phí, tinh giảm nhân sự, thu hẹp quy mô sản xuất, trường hợp xấu nhất là tuyên bố phá sản.
Suy thoái kinh tế cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc vay vốn đầu tư và duy trì sản xuất. Lãi suất khi đó tăng quá cao gây cản trở cho những doanh nghiệp cần vay vốn để tiếp tục hoạt động.
3. Đối với người lao động
Ảnh hưởng lớn nhất của suy thoái kinh tế đối với người lao động chính là thiếu việc làm, thất nghiệp. Nếu may mắn không bị sa thải thì mức lương người lao động nhận được cũng sẽ bị cắt giảm. Nhìn chung, thu nhập thấp khiến họ khó đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng cơ bản của cuộc sống.
Sự chênh lệch về mức sống quá lớn có thể dẫn đến các vấn đề về chính trị, trật tự xã hội. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến các tệ nạn và tỷ lệ tội phạm gia tăng.
Tóm lại, suy thoái kinh tế có nhiều tác động xấu đến mọi mặt của đời sống. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn để có những biện pháp phòng tránh thích hợp khi thị trường đi xuống.
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh