Nhà nước thực hiện nhiều hoạt động thu chi để thành lập quỹ tài chính công, phục vụ cộng đồng. Để hiểu rõ tài chính công được sử dụng vì mục đích nào thì mời bạn đọc bài viết dưới đây!
Tài chính công là gì?
Tài chính công (public finance) là tổng hợp những hoạt động thu chi bằng tiền của nhà nước nhằm đáp ứng các nhu cầu, lợi ích chung cho toàn xã hội. Ngoài ra, nhà nước còn tạo lập và sử dụng các quỹ công để phát triển kinh tế quốc gia.
Tài chính công xuất hiện khi nào?
Tài chính công ra đời khi có sự xuất hiện của nhà nước và nền kinh tế hàng hóa tiền tệ. Cụ thể:
1. Nhà nước
Sự hình thành của nhà nước hoàn toàn là do khách quan nhưng sự tồn tại của nó lại mang tính chất chủ quan. Nhà nước ra đời với mục đích thực hiện quyền lực chính trị nhằm tổ chức quản lý và trấn áp bạo lực:
- Chức năng tổ chức quản lý được thể hiện thông qua 2 lĩnh vực chính là kinh tế và xã hội.
- Chức năng trấn áp bạo lực được thể hiện thông qua 2 cơ quan là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
2. Nền kinh tế hàng hóa tiền tệ
Tài chính công bắt đầu xuất hiện khi có sự chiếm hữu về tư liệu sản xuất cùng sản phẩm làm ra. Điều này đã góp phần đẩy nhanh quá trình hình thành, phát triển của nền kinh tế hàng hóa và tiền tệ.
- Về hình thức: Nhà nước thực hiện các hoạt động thu chi và sử dụng quỹ công nhằm cung cấp hàng hóa cho xã hội.
- Về thực tế: Phản ánh mối quan hệ kinh tế giữa các cơ quan công quyền nhà nước và chủ thể kinh tế. Thực hiện các chức năng của nhà nước trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cho xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận.
Chức năng của tài chính công
Tài chính công đảm nhận 4 chức năng:
1. Huy động nguồn lực tài chính

Tài chính công được coi như một công cụ đắc lực của nhà nước để huy động nguồn lực quốc gia. Những nguồn lực huy động sẽ được bộ máy nhà nước sử dụng để kiểm soát lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội,… Việc huy động nguồn lực diễn ra với ba hình thức chính:
- Huy động nguồn lực tài chính trong nước: Nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội thông qua các nguồn chủ yếu như ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và vốn viện trợ không hoàn lại.
- Huy động nguồn lực tài chính ngoài nước: Nhằm mục phát triển nền kinh tế, xã hội thông qua các nguồn chủ yếu là đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài và kiều hối.
- Huy động nguồn lực tài chính tiết kiệm: Thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
2. Phân bổ nguồn lực tài chính
Chức năng phân bổ nguồn lực thuộc sự chi phối của các chủ thể công được sắp xếp, tổ chức và phân phối một cách cân bằng theo tỷ lệ hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội trong việc sử dụng tài lực. Từ đó, đảm bảo nền kinh tế được phát triển bền vững, ổn định theo tỷ lệ đã định trong chiến lược và kế hoạch phát triển. Trong phân bổ nguồn lực tài chính:
- Chủ thể công: Là chủ thể phân bổ nguồn lực tài chính dưới tư cách như người có quyền lực chính trị, người có quyền sở hữu hoặc người có quyền sử dụng các nguồn tài chính.
- Đối tượng được phân bổ: Là các nguồn tài chính thuộc quyền chi phối của chủ thể công.
Kết quả của việc ứng dụng chức năng phân bổ nguồn lực tài chính vào thực tiễn đời sống là sự ra đời, phân phối và sử dụng các quỹ công. Sử dụng quỹ công một cách đúng đắn, hợp lý hay nói cách khác là sự phân bổ tối ưu các nguồn lực tài chính thuộc quyền chi phối của nhiều chủ thể công có tác động sâu sắc tới việc sử dụng hiệu quả nguồn lực cũng như đẩy mạnh hoàn thiện cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế – xã hội thông qua tính toán, sắp xếp với tỷ lệ cân bằng. Một sự phân bổ hợp lý sẽ là nhân tố quan trọng tác động tới việc phát triển bền vững, ổn định nền kinh tế.
Chức năng phân bổ nguồn lực tài chính đề cập nhiều hơn tới khía cạnh kinh tế. Chủ thể của tài chính công phân bổ nguồn lực nhắm tới việc đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô, bao gồm hiệu quả, ổn định và phát triển. Để đạt được mục tiêu này, phân bổ nguồn lực tài chính phải chú ý trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa khu vực công cộng và khu vực tư nhân.
Những tỷ lệ cân đối trong phân bổ nguồn lực tài chính sẽ đảm bảo nâng cao hiệu quả trên cả hai khía cạnh là thuế khóa và chi tiêu công. Việc làm đó không những giúp thúc đẩy tập trung vốn vào các quỹ công mà còn đẩy mạnh tích tụ vốn ở các đơn vị cơ sở.
3. Chức năng giám sát
Chức năng giám sát của tài chính công giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt quản lý kinh tế – xã hội của nhà nước. Nội dung giám sát của tài chính công gồm:
- Kiểm tra việc sử dụng các nguồn lực tài chính công.
- Đánh giá kết quả của hoạt động sử dụng nguồn lực tài chính công.
- Cung cấp thông tin cho người quản lý để đưa ra giải pháp điều chỉnh kịp thời.
- Đo lường thị trường đối với các chính sách can thiệp và tái phân phối của chính phủ.
Đặc điểm của tài chính công
Tài chính công có đặc điểm bao hàm các yếu tố sau:
1. Thuộc quyền sở hữu của nhà nước
Nhà nước là chủ thể duy nhất quyết định đến việc tạo lập và sử dụng quỹ công, đặc biệt là quỹ ngân sách nhà nước. Các quyết định của nhà nước được thể chế hóa bằng bộ luật do cơ quan quyền lực cao nhất phê chuẩn. Việc tạo lập và sử dụng quỹ công phụ thuộc vào quan điểm của nhà nước cũng như mục tiêu kinh tế – xã hội được nhà nước đặt ra theo từng thời kỳ.
2. Hướng tới lợi ích chung, lợi ích công cộng
Tài chính công phản ánh mối quan hệ kinh tế giữa nhà nước với nhiều chủ thể kinh tế khác nhau trong việc phân phối nguồn lực quốc gia. Vì vậy, bản chất của các hoạt động tài chính công là biểu hiện mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước và các chủ thể kinh tế. Trong đó, lợi ích tổng thể có vai trò quan trọng và được đặt lên hàng đầu, chi phối các mối quan hệ lợi ích khác.
3. Hiệu quả của hoạt động thu chi không lượng hóa được
Hoạt động thu chi tài chính công chủ yếu mang tính chất không hoàn lại nên rất khó để đánh giá hiệu quả của những hoạt động này một cách cụ thể. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động thu chi tài chính công có thể xác định được một cách tương đối thông qua các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thất học, tỷ lệ hộ nghèo,…
4. Phạm vi hoạt động rộng
Tài chính công gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trên mọi lĩnh vực (ví dụ: kinh tế – xã hội, văn hóa – giáo dục, y tế, quốc phòng – an ninh,…). Hoạt động thu chi tài chính công tác động mạnh mẽ đến thu thập của phần lớn các chủ thể kinh tế, bao gồm cả chủ thể đầu tư và chủ thể tiêu dùng. Tuy nhiên, phạm vi và mức độ tác động còn phụ thuộc vào từng chủ thể, từng chính sách về tài chính công cũng như bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Nguyên tắc quản lý tài chính công
Hoạt động của tài chính công tuân thủ theo bốn nguyên tắc sau:
1. Tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là nguyên tắc hàng đầu của quản lý tài chính công. Nguyên tắc này được thể hiện thông qua việc quản lý ngân sách, quản lý tài chính nhà nước và các cơ quan hành chính. Tập trung dân chủ đảm bảo sự phối hợp cân bằng, hợp lý các nguồn lực kinh tế – xã hội. Toàn bộ các khoản thu chi tài chính công luôn phải được bàn bạc minh bạch, công khai, hướng tới mục tiêu mang lại giá trị có ích cho cộng đồng.
2. Hiệu quả

Quản lý tài chính công đặc biệt chú trọng đến nguyên tắc hiệu quả trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến đời sống xã hội. Trong quá trình thực hiện nội dung chi tiêu cộng đồng, nhà nước luôn hướng đến và đặt yếu tố lợi ích, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng lên hàng đầu. Bên cạnh đó, hiệu quả của hoạt động kinh tế – xã hội cũng được coi như thước đo giữ vai trò quan trọng, quyết định trực tiếp đến các vấn đề chi tiêu công.
3. Thống nhất
Tài chính công được thống nhất thực hiện dựa theo các văn bản pháp luật, quy định đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua và ban hành. Toàn bộ quá trình hình thành, sử dụng, quyết toán, xử lý vướng mắc đều tuân thủ pháp luật và luôn đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng, hạn chế tối đa yếu tố rủi ro, tiêu cực trong việc quyết định các khoản chi tiêu công.
4. Công khai, minh bạch
Nguyên tắc công khai, minh bạch là yếu tố cần thiết hàng đầu để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả cho quá trình thực hiện hoạt động phân bổ nguồn lực. Tài chính công cần đảm bảo sự minh bạch trước cộng đồng, sẵn sàng công khai toàn bộ số liệu thu chi trong quản lý để hạn chế, triệt tiêu tối đa các yếu tố gây thất thoát, tham nhũng và đảm bảo tối đa lợi ích của cộng đồng.
Nguồn thu và các khoản chi tiêu của tài chính công
Tài chính công được dùng cho các mục tiêu chung và duy trì hoạt động của nhà nước.
1. Nguồn thu của tài chính công
Quỹ ngân sách tài chính công đến từ các nguồn như:
- Thuế: Thu nhập cá nhân, xuất – nhập khẩu, hải quan,…
- Lệ phí: Cầu – đường, bảo vệ môi trường, công chứng giấy tờ,…
- Các dịch vụ công: Trường học, bệnh viện, trung tâm thể thao,…
- Cho vay: Mua nhà, mua xe, kinh doanh,…
- Các nguồn khác: Từ các tổ chức kinh tế, nhận tài trợ, cho thuê tài sản, nhận đóng góp, nhận đầu tư, v.v…
2. Các khoản chi tiêu của tài chính công
Quỹ ngân sách tài chính công được dùng để thực hiện các hoạt động như:
- Duy trì bộ máy nhà nước: Lương thưởng, thiết bị văn phòng, điện, nước, công tác phí, sự kiện, hội họp,…
- Đầu tư phát triển: Xây cầu – đường, xây trường học – bệnh viện, phát triển khu du lịch,…
- Chi trả các khoản vay: Bao gồm cả vay trong và ngoài nước.
- Dự trữ cho những phát sinh: Xóa đói giảm nghèo, khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh, v.v…
Vai trò của tài chính công ở Việt Nam
Tại Việt Nam, tài chính công có vai trò chủ yếu:
- Huy động nguồn vốn từ mọi lĩnh vực, đảm bảo nguồn lực tài chính cho nhà nước.
- Phân phối những nguồn lực một cách hiệu quả, đúng mục đích.
- Đầu tư nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi giúp các chủ thể kinh tế phát triển và mở rộng.
- Miễn giảm thuế khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để thu hút vốn đầu tư.
- Thực hiện các hoạt động về an sinh xã hội nhằm trợ giúp người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, v.v…
Trên đây là những thông tin chi tiết về khái niệm tài chính công. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết toàn diện hơn về lĩnh vực tài chính. Nếu còn bất cứ vấn đề nào cần được giải đáp, bạn hãy lại bình luận phía dưới bài viết nhé!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc