Để hoạt động và phát triển hiệu quả, các doanh nghiệp đều cần hiểu rõ những yếu tố tài chính doanh nghiệp. Vì vậy, mình sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ những thắc mắc về tài chính doanh nghiệp trong bài viết này!
Tài chính doanh nghiệp là gì?
Tài chính doanh nghiệp (corporate finance) là lĩnh vực nghiên cứu quá trình hình thành và sử dụng của cải để nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận, lợi ích cho doanh nghiệp. Tài chính doanh nghiệp nhìn chung đều hoạt động dựa trên các nguyên tắc sau:
- Hoạt động của tài chính doanh nghiệp luôn gắn liền và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Hoạt động của tài chính doanh nghiệp bị chi phối bởi tính chất sở hữu vốn trong mỗi doanh nghiệp.
- Hoạt động của tài chính doanh nghiệp luôn bị chi phối bởi mục tiêu lợi nhuận.
Xét trên phạm vi một đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, có thể nói rằng tài chính doanh nghiệp chính là công cụ giữ vai trò quan trọng nhất dùng để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xét trên phạm vi một hệ thống tài chính của nền kinh tế quốc dân rộng lớn, tài chính doanh nghiệp lại chỉ được xem như một phần nhỏ của cả hệ thống.
Vai trò của tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp đảm đương các vai trò quan trọng như sau:
1. Khai thác, thu hút các nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp

Tài chính doanh nghiệp có vai trò khai thác, thu hút các nguồn lực tài chính nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng mọi nhu cầu về vốn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Cụ thể, nó đảm bảo nguồn vốn được cung cấp đầy đủ, kịp thời bằng phương pháp và hình thức phù hợp để hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra liền mạch với mức chi phí thấp nhất.
2. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn của doanh nghiệp
Bên cạnh việc khai thác, thu hút nguồn đầu tư, tài chính doanh nghiệp còn giữ vai trò tích cực trong việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vốn doanh nghiệp. Trong đó:
- Sử dụng tiết kiệm nguồn vốn doanh nghiệp: Là hoạt động không để vốn bị nhàn rỗi hay bị chiếm dụng một cách vô ích.
- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn doanh nghiệp: Là hoạt động ưu tiên dùng vốn cho các hạng mục hoặc dự án đầu tư an toàn, có khả năng cho lợi nhuận cao tính trên mỗi đồng vốn và thời gian thu hồi vốn sớm.
3. Kích thích, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Từ mối quan hệ với các bên liên quan phía ngoài và mối quan hệ với thành viên, người lao động trong nội bộ, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để gia tăng thu nhập, sản lượng và lợi nhuận nhờ việc vận dụng hiệu quả, khéo léo hàng loạt các công cụ tài chính như: đầu tư, xác định lãi suất, cổ tức, giá cả, chiết khấu, hoa hồng, tiền thưởng, tiền lương,…
4. Kiểm tra, kiểm soát và phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp
Từ những thông tin về tình hình kinh tế và tài chính, nhà quản lý doanh nghiệp sẽ đưa ra các quyết định tài chính tương ứng. Việc thực thi quyết định tài chính doanh nghiệp được biểu hiện thông qua những chỉ tiêu tài chính. Nhờ chỉ tiêu tài chính, nhà quản lý sẽ thấy được tính phù hợp hoặc tính vướng mắc cùng những tồn tại, hạn chế để tiếp tục có phương hướng điều chỉnh, xử lý kịp thời.
Chức năng của tài chính doanh nghiệp
Chức năng của tài chính doanh nghiệp đối với mỗi doanh nghiệp bao gồm:
- Tạo lập và luân chuyển nguồn vốn: Hoạt động của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo sẽ luôn ổn định và đầy đủ, đáp ứng kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Phân phối và cân bằng nguồn thu nhập: Cân đối lại nguồn vốn doanh nghiệp sao cho hợp lý để từ đó biết cách sử dụng nguồn lợi nhuận hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Kiểm tra và giám sát quá trình luân chuyển nguồn vốn: Đưa ra các đề xuất phù hợp tới quản lý của công ty nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng, kiểm soát vốn.
Các công việc của ngành tài chính doanh nghiệp
Những công việc của người làm tài chính doanh nghiệp bao gồm:
1. Đọc báo cáo tài chính
Người làm tài chính doanh nghiệp sẽ quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp với mục đích phục vụ cho các hoạt động tạo lợi nhuận của chính công ty. Đọc báo cáo tài chính, phân tích báo cáo lợi nhuận/lỗ và quản lý dòng tiền để tạo ra bảng cân đối kế toán cùng dòng tiền lưu chuyển trong doanh nghiệp là những công việc của người làm tài chính doanh nghiệp.

Khi đó, nếu những báo cáo chỉ ra rằng doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn, vậy thì người quản trị sẽ phải dựa vào các công cụ của tài chính doanh nghiệp để lập kế hoạch chiến lược nhằm khắc phục sự thiếu hụt đó. Trong báo cáo tài chính sẽ luôn chỉ ra chi tiết nguồn lợi và lỗ của doanh nghiệp là như thế nào và liệu chúng có gây ảnh hưởng tới giá trị thực của công ty tại một thời điểm cụ thể hay không.
Ngoài ra, báo cáo về tình hình lưu chuyển của tiền tệ còn cung cấp những thông tin về cách mà các quỹ tiền tệ chảy vào doanh nghiệp theo thời gian. Nhìn chung, tài chính doanh nghiệp sẽ đan xen các nguồn thông tin này lại với nhau, nếu doanh nghiệp đang thu nhiều lợi nhuận nhưng không có nguồn vốn lưu động thì đọc báo cáo tài chính sẽ giúp doanh nghiệp thấy được nguồn tiền đã đi về đâu.
2. Lập kế hoạch chiến lược
Việc lập kế hoạch chiến lược để cung cấp cho doanh nghiệp một nền tảng tài chính giúp thực hiện dự án hoặc kế hoạch sẽ trở nên hiệu quả hơn nhờ vào tài chính doanh nghiệp.
Như vậy, kế hoạch chiến lược được tạo ra như một phần tất yếu của tài chính doanh nghiệp. Nó giúp các nhà quản lý xác định được xem liệu doanh nghiệp có thể đáp ứng được các mục tiêu tài chính ngắn hạn hay dài hạn hay không.
3. Quản lý các tuỳ chọn tài chính
Nếu đang gặp khó khăn về dòng tiền, tài chính doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu và đưa ra các tuỳ chọn tài chính. Nhờ tính toán các khoản thanh toán tiền lãi và tiền gốc cùng việc kết hợp những thông tin ấy với báo cáo tài chính hiện tại, tương lai, doanh nghiệp sẽ có các lựa chọn mức vay phù hợp nhất và thiết lập kế hoạch trả nợ.
Nhìn chung, điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thể thu về nhiều nguồn tiền hơn trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, để thực hiện thành công những công việc nói trên sẽ đòi hỏi ở người quản lý có một kỹ năng tài chính doanh nghiệp vững vàng.
Thông qua bài chia sẻ những ý nghĩa của tài chính doanh nghiệp trên đây, các bạn đã có những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này. Nếu còn bất cứ thắc mắc cần được giải đáp, hãy để lại bình luận ngay dưới bài viết dưới đây để mình giải đáp nhé!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc