Trong thời gian vừa qua, “taper” và FED trở thành chủ đề nóng để giới tài chính xôn xao bàn luận. Vậy “tapering” là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính. Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Tapering là gì?
“Taper” trong tiếng Anh theo nghĩa động từ là giảm dần hoặc dần ngừng lại. Do đó, trong lĩnh vực tài chính, “tapering” có nghĩa là thu nhỏ lại, thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc cắt giảm lượng lớn chính sách tiền tệ sẽ gây ra biến động lớn trên thị trường tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ thực hiện “tapering” nhằm giảm thiểu những biến động này.

Tại các quốc gia trên thế giới, ngân hàng trung ương đều có những chính sách tiền tệ nhằm mục đích kiểm soát mức độ ổn định của giá cả. Trong đó có chính sách “nới lỏng định lượng” (quantitative easing viết tắt là QE).
Lịch sử của của những đợt “tapering” trong quá khứ
Trong quá khứ, các đợt tapering cũng đã từng xảy ra. Cụ thể:
1. Năm 2001
Vào tháng 3 năm 2001, Ngân hàng trung ương ở Nhật Bản – BOJ đã tiến hành thực hiện tapering bằng cách xem xét tăng lượng mua trái phiếu chính phủ dài hạn đồng thời cam kết duy trì mức lãi suất mục tiêu theo thời gian. Bước đi này của BOJ đã tác động đến niềm tin của công chúng một cách mạnh mẽ nhằm đảm bảo tình hình kinh tế ổn định trước những thay đổi chính sách.
2. Năm 2013
Năm 2008 diễn ra một cuộc đại suy thoái khiến FED – Cục Dự trữ Liên Bang (Hoa Kỳ) phải nhanh chóng kiểm soát và vực dậy nền kinh tế. FED bắt đầu thực hiện chiến dịch QE kéo dài trong 6 năm từ cuối tháng 11/2008 đến tháng11/2014 với kinh phí khổng lồ lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Vào thời điểm tháng 5 năm 2013, FED đã phát “tín hiệu” xem xét thu hẹp quy mô trương trình các gói mua trái phiếu khiến nền kinh tế lúc đó đã nhận một “cú sốc” dẫn tới sự kiện của “taper tantrum” ngay sau đó. Taper tantrum khiến cho tính thanh khoản của trái phiếu bị giảm (tăng áp lực bán) và đẩy lợi suất tăng dẫn đến việc lãi suất đô la Mỹ cũng tăng. Việc này ra gây áp lực bán tháo đồng tiền và bị rút vốn khiến cho các thị trường mới nổi bị thiệt hại nặng nề.
FED sẽ thực hiện “taper” khi nào?
FED thường sẽ sử dụng taper sau khi áp dụng chính sách nới lỏng định lượng “bơm tiền“. Cụ thể, FED sẽ thực hiện QE để tăng cường bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách mua các loại chứng khoán tại các ngân hàng thương mại nhằm đẩy mức lợi tức trái phiếu xuống thấp hơn đến mức không thể hạ được nữa.

Khi ngân hàng trung ương công bố chính sách lãi suất gần hoặc bằng 0% thì tỷ lệ đối tượng có nhu cầu vay tiền sẽ tăng mạnh. Điều đó khiến cho các ngân hàng thương mại có thể bị thiếu tiền để cho vay. Vì vậy, ngân hàng trung ương sẽ bơm tiền vào ngân hàng thương mại bằng cách mua các loại trái phiếu và chứng khoán được đảm bảo thế chấp. Và khi ngân hàng thương mại có tiền thì thị trường cũng có tiền, kích thích các hoạt động mua sắm, đầu tư, kinh doanh, sản xuất,… kéo theo nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Việc này cung cấp cho các ngân hàng thương mại một lượng tiền dồi dào nhưng lại kèm theo cả tình trạng lạm phát (tiền mất giá). Bởi vậy, khi nền kinh tế dần bước vào giai đoạn phục hồi, FED sẽ siết chặt QE bằng taper. Nhờ đó, nó ảnh hưởng tích cực giá trị của đồng tiền, làm giảm lạm phát.
Tapering ảnh hưởng đến thị trường tài chính như thế nào?
Do taper tác động trực tiếp đến tiền tệ nên các sản phẩm trên thị trường tài chính cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể:
1. Thị trường chứng khoán
Khi FED thực hiện tapering thì dòng vốn trên thị trường chứng khoán nói chung và giá cổ phiếu, trái phiếu nói riêng sẽ chịu tác động đầu tiên. Trong giai đoạn tapering diễn ra, FED mua ít tài sản hơn dẫn theo những lo ngại về tính thanh khoản, gây áp lực khiến cổ phiếu bị giảm giá. Dựa theo lý thuyết cung cầu trên thị trường, việc này làm giảm lực mua đáng kể.
Mặt khác, không phải giá cổ phiếu của tất cả các doanh nghiệp đều giảm trong quá trình thực hiện tapering. Trong đó, phải kể đến các ngành nghề, lĩnh vực đặc thù được hưởng lợi khi lãi suất tăng như ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng,… Xét về mặt dài hạn, tapering hầu như không ảnh hưởng quá nhiều đến các doanh nghiệp có nội tại tốt.
2. Thị trường tiền tệ
Việc thực hiện tapering có tác động mạnh tới thị trường tiền tệ, đặc biệt là giá trị của đồng tiền. Khi FED tuyên bố bắt đầu tapering, đồng USD Mỹ đã tăng trưởng gần 13% vào năm 2014. Trái lại, đối với các nền kinh tế mới nổi, tapering thường xuyên có thể khiến các đồng nội tệ của một số quốc gia trên thế giới bị suy giảm.
3. Thị trường hàng hóa
Tapering ảnh hưởng gián tiếp tới thị trường hàng hóa. Cụ thể, hầu hết hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn vào khoảng thời gian này. Ngoài ra, các loại hàng nói chung cũng tăng giá trị do việc thực hiện tapering làm giảm thiểu được tình lạm phát.
Tapering của FED luôn là một chủ đề nóng được các nhà đầu tư quan tâm do ảnh hưởng đến hầu hết các loại tài sản với phạm vi xuyên quốc gia. Vì vậy, các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ động thái của FED để ứng biến với những biến động trên thị trường nhé!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc