Chứng khoán ngày càng phổ biến và là kênh đầu tư tiềm năng có khả năng sinh lời lớn. Vậy, bạn đã hiểu hết về thị trường này chưa? Hãy cùng mình tìm hiểu thị trường chứng khoán trong bài viết này nhé!
Thị trường chứng khoán là gì?

Thị trường chứng khoán (stock market) là một tập hợp những người mua, bán, giao dịch cổ phiếu và các loại chứng khoán khác, thứ đại diện cho phần vốn đã góp của họ đối với doanh nghiệp. Các loại chứng khoán có thể được giao dịch trên thị trường bao gồm:
- Cổ phiếu
- Trái phiếu
- Chứng chỉ quỹ
- Chứng quyền
- Chứng quyền có bảo đảm
- Chứng chỉ lưu ký
- Chứng khoán phái sinh,…
Việc mua và bán chứng khoán được thực hiện thông qua sàn giao dịch chứng khoán hoặc các công ty môi giới chứng khoán.
Thị trường chứng khoán ra đời khi nào?
Tại Pháp vào cuối thế kỷ thứ 12, những người môi giới ngoại hối thay mặt các ngân hàng thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều chỉnh những khoản nợ của các cộng đồng nông nghiệp. Vì họ trao đổi các khoản nợ với nhau nên đây có thể được coi là những người môi giới đầu tiên.
Giữa thế thứ 13, các ngân hàng tại thành phố độc lập Venice (Ý) đã bắt đầu giao dịch trao đổi cổ phiếu của chính phủ. Sau đó, xuyên suốt thế kỷ thứ 14, các ngân hàng tại Pisa, Verona, Genoa và Florence cũng đã hưởng ứng và thực hiện giao dịch trao đổi cổ phiếu của chính phủ vì đây đều là các thành phố độc lập, không thuộc quyền cai trị của các công tước. Các công ty Ý cũng là những tổ chức ngoài nhà nước đầu tiên phát hành cổ phiếu. Các công ty ở Anh và những quốc gia vùng trũng cũng bắt đầu phát hành cổ phiếu vào cuối thế kỷ thứ 16.
Tại Việt Nam, với sự thành lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (1996) và Nghị định 48/1998NĐ-CP (1998) của chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chính thức ra đời.
Phân loại thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán hiện nay được chia thành 2 loại:
1. Thị trường chứng khoán sơ cấp
Thị trường chứng khoán sơ cấp là thị trường mua bán các chứng khoán mới phát hành.
2. Thị trường chứng khoán thứ cấp
Thị trường chứng khoán thứ cấp là thị trường giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp.
Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán
Các bên tham gia thị trường bao gồm:
1. Nhà phát hành
Là các tổ chức thực hiện huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán bao gồm:
- Chính phủ: thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ với mục đích bù đắp thâm hụt ngân sách hoặc tìm kiếm nguồn tiền để thực hiện các kế hoạch phát triển quốc gia.
- Chính quyền địa phương: thực hiện phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các chính sách hoặc xây dựng công trình ở địa phương.
- Công ty muốn huy động vốn: thực hiện phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp nhằm huy động vốn để phát triển kinh doanh, sản xuất.
2. Nhà đầu tư
Nhà đầu tư là những đối tượng cung cấp vốn cho thị trường chứng khoán, được chia thành:
- Cá nhân: là những cá nhân tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán.
- Tổ chức: là những tổ chức tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
3. Trung gian môi giới
Là những đơn vị kết nối giữa bên bán và bên mua chứng khoán, bao gồm:
- Công ty chứng khoán: là tổ chức trung gian được Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước cấp phép thực hiện môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành hoặc tư vấn đầu tư cho khách hàng.
- Quỹ đầu tư chứng khoán: là các pháp nhân thành lập theo mô hình công ty được Ủy ban chứng khoán cấp giấy phép thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý danh mục đầu tư.
- Trung gian tài chính: là các cá nhân, tổ chức làm trung gian giữa những bên cung cấp vốn và các bên có nhu cầu về vốn trên thị trường chứng khoán.
4. Các tổ chức liên quan
Các cơ quan quản lý và giám sát hoạt động thị trường chứng khoán bao gồm:
- Bộ Tài chính: chịu trách nhiệm ban hành, quy hoạch phát triển chiến lược và các chế độ quản lý giám sát thị trường chứng khoán.
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC): quản lý giám sát hoạt động của sở giao dịch, trung tâm lưu ký và thanh tra, giám sát xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn thống kê, dự báo hoạt động, hiện đại hóa công nghiệp và đào tạo, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ ngành chứng khoán, hợp tác quốc tế.
- Sở giao dịch chứng khoán: là trung tâm giao dịch chứng khoán có tổ chức, trong đó việc mua bán được thực hiện một cách trực tiếp thông qua đấu giá hoặc thông qua người bán theo giá ấn định. Sở giao dịch của còn có chức năng tổ chức, điều hành, giám sát hoạt động mua bán chứng khoán niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, thiết lập thị trường tập trung, ban hành quy chế về nghiệp vụ và công bố thông tin chứng khoán.
- Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán: bảo vệ lợi ích của các công ty thành viên trong ngành chứng khoán. Khuyến khích đầu tư, kinh doanh chứng khoán và điều tra giải quyết các tranh chấp liên quan.
- Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD): là nơi lưu trữ các thông tin về chứng khoán như hoạt động nhận ký gửi, bảo quản và chuyển giao chứng khoán.
- Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm: là công ty cung cấp dịch vụ đánh giá năng lực thanh toán vốn, gốc và lãi theo kỳ hạn, những điều khoản đã cam kết đối với mỗi đợt phát hành cụ thể dưới dạng hệ số tín nhiệm.
- Các tổ chức tài trợ chứng khoán: tồn tại với mục đích phát triển thị trường thông qua việc cho vay tiền.
Đặc điểm của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán có những đặc điểm sau:
- Cạnh tranh cao: với sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư, giá cả hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu thì việc đầu tư thu lợi nhuận không phải là một điều dễ dàng.
- Tính liên tục: chứng khoán được mua bán nhiều lần trên thị trường thứ cấp sau khi đã được phát hành trên thị trường sơ cấp.
- Tính thanh khoản: là khả năng chuyển đổi từ chứng khoán sang tiền mặt và ngược lại trong thời gian ngắn với chi phí thấp.
- Khả năng sinh lời: chứng khoán luôn được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ sinh ra nhuận cao. Điều này đến từ việc chia cổ tức của các công ty hoặc biến động tăng giá trên thị trường chứng khoán.
- Tính rủi ro: đi kèm với khả năng sinh lời lớn thì thị trường chứng khoán luôn mang đến những rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư.
Chức năng của thị trường chứng khoán
Huy động vốn đầu tư là chức năng quan trọng nhất của thị trường chứng khoán. Việc huy động và phân bổ nguồn vốn sẽ giúp cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển mà không cần phải vay ngân hàng. Nguồn vốn từ việc phát hành chứng khoán được các nhà đầu tư cung cấp cho những chủ thể thiếu vốn. Nếu doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi thì cũng sẽ nâng cao được hiệu quả chung, góp phần phát triển nền kinh tế.

Việc mua bán các loại chứng khoán giúp thị trường có thêm một kênh đầu tư hợp pháp, mở ra cơ hội cho những người muốn tham gia kiếm tiền. Do thị trường chứng khoán được điều hành bởi chính phủ nên sẽ luôn đảm bảo tính minh bạch, an toàn cho các đầu tư.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán còn là thước đo sức mạnh giúp chính phủ điều chỉnh chính sách kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển thì thị chứng khoán cũng có nhiều khởi sắc. Ngược lại, trong thời kỳ kinh tế bị khủng hoảng, lạm phát tăng cao thì các chỉ số trên thị trường chứng khoán cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, thị trường chứng khoán là công cụ giúp chính phủ thực thi các chính sách điều chỉnh để phát triển nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, bản chất của thị trường chứng khoán là phản ánh tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Những biến động về giá và chỉ số chứng khoán cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để có quyết định đầu tư đúng đắn.
Nguyên tắc vận hành thị trường chứng khoán

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán phải bao gồm:
- Nguyên tắc công khai: mọi hoạt động trên thị trường chứng khoán đều thuộc sự giám sát của Sở giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các thông tin trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch và công bằng.
- Nguyên tắc trung gian: việc mua bán chứng khoán đều phải thực hiện thông qua trung gian. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động hợp pháp, tránh giả mạo, trộm cắp chứng khoán và khắc phục những hạn chế về không gian của sàn giao dịch.
- Nguyên tắc đấu giá: giá cả được xác định dựa trên cung – cầu thông qua đấu giá, đấu thầu. Do mục tiêu của thị trường chứng khoán là cạnh tranh hoàn hảo nên không có ai có quyền định giá chứng khoán một cách độc đoán mà chỉ có thể xác định căn cứ vào sự tác động qua lại giữa cung và cầu. Có thể nói, thị trường chứng khoán mang tính tự do nhất trong tất cả các thị trường tài chính.
Trên đây là những điều căn bản nhất về thị trường chứng khoán mà bạn nên biết. Chúc bạn thành công khi tham gia vào thị trường chứng khoán!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc