Để có những quyết định đầu tư sáng suốt, chúng ta cần phải hiểu rõ về các loại chứng khoán, một trong số đó có trái phiếu. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về trái phiếu để có đa dạng hơn các lựa chọn đầu tư.
Trái phiếu là gì?

Trái phiếu (bond) là loại chứng khoán xác nhận một phần nợ của tổ chức phát hành đối với chủ sở hữu. Tổ chức phát hành trái phiếu có thể là doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp) hoặc một tổ chức chính quyền như Kho bạc Nhà nước (trái phiếu chính phủ). Tổ chức phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán cho chủ sở hữu số tiền (mệnh giá trái phiếu) khi đến kỳ hạn trả gốc và lãi suất hàng năm được ghi rõ trên tờ phiếu.
Chủ sở hữu trái phiếu còn được gọi là trái chủ. Trái chủ mua trái phiếu đồng nghĩa với việc cho tổ chức phát hành vay và không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả sử dụng vốn của bên vay. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trái phiếu ghi danh) hoặc không (trái phiếu vô danh).
Đầu tư trái phiếu là việc tìm kiếm, lựa chọn và mua trái phiếu của các tổ chức phát hành hoặc trao đổi với các trái chủ khác có nhu cầu bán trên thị trường. Lợi suất trái phiếu sẽ là tổng lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được khi đầu tư vào trái phiếu.
Phân loại trái phiếu
Các loại trái phiếu được phân chia như sau:
1. Theo chủ thể phát hành

- Trái phiếu doanh nghiệp: Là loại trái phiếu được phát hành bởi doanh nghiệp nhằm mục đích huy động vốn để phát triển hoạt động kinh doanh.
- Trái phiếu chính phủ: Là loại trái phiếu được phát hành bởi chính phủ nhằm mục đích huy động vốn đáp ứng các nhu cầu chi tiêu, đầu tư hoặc phát triển cơ sở hạ tầng.
- Trái phiếu của ngân hàng và các tổ chức tài chính: Phát hành để tăng thêm vốn hoạt động.
2. Theo lợi tức của trái phiếu
- Trái phiếu có lãi suất cố định: Là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo tỷ lệ phần trăm cố định tính theo mệnh giá.
- Trái phiếu có lãi suất biến đổi: Là loại trái phiếu có phần trăm lãi suất được điều chỉnh theo từng kỳ hạn khác nhau. Việc thay đổi lãi suất được nhà phát hành quy định và điều chỉnh ghi rõ trên trái phiếu.
- Trái phiếu có lãi suất bằng không: Là loại trái phiếu mà nhà đầu tư không nhận được lãi suất, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá (chiết khấu) và được nhận thanh toán bằng mệnh giá in trên trái phiếu đó khi đáo hạn.
3. Theo mức độ đảm bảo thanh toán của bên phát hành
- Trái phiếu đảm bảo: Là loại trái phiếu mà nhà phát hành sẽ dùng một loại tài sản có giá trị tương đương để đảm bảo cho việc phát hành. Khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán thì trái chủ có quyền sử dụng tài sản đảm bảo đó hoặc bán để thu hồi số tiền cho vay. Trái phiếu bảo đảm có 2 loại chủ yếu sau:
- Trái phiếu có tài sản cầm cố: Là loại trái phiếu mà người phát hành cầm cố một loại tài sản có giá trị nhằm đảm bảo khả năng thanh toán với trái chủ. Vì đảm bảo quyền lợi của trái chủ, giá trị của tài sản cầm cố thường lớn hơn tổng mệnh giá các trái phiếu phát hành.
- Trái phiếu bảo đảm bằng chứng khoán ký quỹ: Là loại trái phiếu được đảm bảo bằng việc nhà phát hành đem đi ký quỹ số chứng khoán có tính thanh khoản cao mà mình sở hữu để làm tài sản đảm bảo cho trái chủ.
- Trái phiếu không đảm bảo: Là loại trái phiếu phát hành dựa trên uy tín của nhà phát hành mà không có bất kỳ tài sản nào làm vật đảm bảo hoặc sự bảo lãnh của bên thứ ba.
4. Theo hình thức của trái phiếu
- Trái phiếu vô danh: Là loại trái phiếu không ghi tên chủ sở hữu trong sổ sách ghi chép của tổ chức phát hành. Trái chủ có thể thực hiện quá trình trao đổi, mua bán trái phiếu này mà không bị ràng buộc bởi các quy định.
- Trái phiếu ghi danh: Là loại trái phiếu có ghi tên chủ sở hữu trong sổ sách của tổ chức phát hành hoặc trên mặt tờ trái phiếu.
5. Theo tính chất của trái phiếu
- Trái phiếu chuyển đổi: Là loại trái phiếu của công ty cổ phần cho phép trái chủ quyền chuyển đổi thành cổ phiếu của công ty đó theo những điều kiện được xác định trong phương án phát hành.
- Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Là loại trái phiếu cho phép trái chủ có quyền mua số lượng cổ phiếu nhất định của công ty phát hành.
- Trái phiếu có thể mua lại: Là loại trái phiếu cho phép chủ thể phát hành có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trước khi đáo hạn.
Đặc điểm của trái phiếu

Trái phiếu có một số đặc điểm sau:
- Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ. Vì vậy, trái phiếu có thời hạn trả gốc kèm theo mức lãi suất quy định. Khoản nợ đó chính là mệnh giá của trái phiếu.
- Trái phiếu có thể được phát hành dưới các hình thức như: chứng chỉ (tờ phiếu), bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
- Trái phiếu thuộc thị trường vốn.
- Lợi nhuận của trái phiếu đến từ việc nhận lãi suất cố định chứ không phụ thuộc các biến động thị trường chứng khoán.
- Trái chủ không được phép tham gia vào các hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành.
- Trong trường hợp công ty gặp vấn đề như giải thể hoặc phá sản, cổ phần của doanh nghiệp trước hết sẽ ưu tiên trả nợ cho trái chủ trước. Đây là một nghĩa vụ bắt buộc.
Về việc phát hành trái phiếu

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng chủ yếu là để vay vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất hoặc giải quyết vấn đề trong công ty. Việc phát hành trái phiếu giúp cho doanh nghiệp kêu gọi số vốn mới với chi phí thấp hơn so với vay mượn ngân hàng. Ngoài ra, phát hành trái phiếu còn giúp cho doanh nghiệp không bị giảm cổ phần.
Công ty cần huy động vốn còn có thể lựa chọn phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không bao gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp) mà không sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng hoặc internet.
Ưu điểm và nhược điểm của trái phiếu
Trái phiếu có những điểm mạnh và điểm hạn chế như sau:
1. Ưu điểm
Đối với nhà phát hành:
- Giúp tổ chức phát hành huy động nguồn vốn mới rất hiệu quả.
- Củng cố thương hiệu của tổ chức trên thị trường.
- Góp phần tạo niềm tin và uy tín cho những lần kêu gọi vốn tiếp theo.
- Vì trái phiếu là một dạng chứng khoán nợ nên tổ chức phát hành hoàn toàn không bị mất cổ phần.
Đối với nhà đầu tư:
- Lãi suất ổn định, không cần phải lo đến những biến động của thị trường.
- Mức lãi suất của trái phiếu thường cao hơn so với lãi suất gửi ngân hàng.
- Đầu tư trái phiếu an toàn hơn so với các loại chứng khoán khác.
2. Nhược điểm
Đối với nhà phát hành:
- Phải thanh toán lãi suất thường xuyên cho trái chủ, ngay cả khi doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc phá sản.
- Giá trị cổ phiếu có thể bị giảm nếu lợi nhuận của chủ thể phát hành giảm bởi thanh toán lãi suất cho trái phiếu được ưu tiên hơn cổ tức.
Đối với nhà đầu tư:
- Do lợi nhuận của trái phiếu đến từ lãi suất cố định hàng năm nên nhà đầu tư không thể mua bán để hưởng chênh lệch giá.
- Mức vốn đầu tư lớn hơn so với cổ phiếu.
- Tính thánh khoản kém, nhà đầu tư có thể sẽ phải bán rẻ hơn so với mệnh giá.
Vai trò của trái phiếu đối với thị trường tài chính
Việc kinh doanh trái phiếu là một phương thức đầu tư tài chính giúp cải thiện thị trường vốn trở nên đa dạng và hoàn thiện hơn, thay vì phải vay ngân hàng. Cung ứng trái phiếu tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp thực hiện các dự án tốt hơn với tỷ suất sinh lời cao trong điều kiện thị trường biến động, không thuận lợi.
Đầu tư trái phiếu an toàn, thích hợp với những nhà đầu tư không thích mạo hiểm hoặc nhà đầu tư mới bởi tính ổn định và hạn chế tỷ lệ rủi ro hơn so với các kênh đầu tư khác. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Bùi Khánh Linh