Hoạt động đầu tư chứng khoán đòi người chơi cần có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm để có thể đạt được lợi nhuận mong muốn. Bởi vậy, đối với những người không có nhiều kỹ năng và kiến thức chuyên môn, việc tự mình đầu tư để thu lời là điều không dễ dàng. Để giúp các nhà đầu tư có thêm một lựa chọn an toàn hơn, hình thức ủy thác đầu tư chứng khoán xuất hiện và đang được rất nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây.
Ủy thác đầu tư chứng khoán là gì?

Ủy thác đầu tư chứng khoán là việc giao phó tiền bạc của chủ thể này cho một chủ thể khác để đầu tư chứng khoán hộ với mục đích sinh lợi nhuận, thay vì tự thực hiện. Hoạt động ủy thác đầu tư chứng khoán cần sự tham gia của:
- Bên ủy thác (giao tiền): Bàn giao tiền bạc và toàn quyền đầu tư chứng khoán cho bên nhận ủy thác.
- Bên nhận ủy thác (nhận tiền): Có trách nhiệm với số tiền đã nhận và thực hiện nhiệm vụ quản lý các danh mục đầu tư để thu được lợi nhuận tối đa cho bên ủy thác.
Có nên tham gia ủy thác đầu tư chứng khoán không?

Ủy thác đầu tư chứng khoán xuất hiện để giải quyết nhu cầu của những nhà đầu tư mong muốn vào một hình thức kiếm tiền an toàn. Hãy cùng điểm qua một vài ưu/nhược điểm của hoạt động ủy thác đầu tư chứng khoán để xác định xem đây có phải là lựa chọn phù hợp nhất với bạn hay không.
1. Ưu điểm
Việc ủy thác đầu tư chứng khoán mang đến những ưu điểm sau:
- Hạn chế rủi ro: Bên nhận ủy thác thường là những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (cá nhân hoặc tổ chức), có kiến thức và kinh nghiệm cao trong việc đầu tư. Vì vậy, khi ủy thác số vốn của mình, nhà đầu tư có thể giảm thiểu xác suất gặp phải rủi ro hoặc tổn thất.
- Tăng trưởng ổn định: Bên nhận ủy thác sẽ phân tích, đánh giá và chọn ra danh mục chứng khoán uy tín có tiềm năng sinh lời để thay bạn đầu tư tiền vào đó. Bằng cách này, lợi nhuận của bạn sẽ được đảm bảo ổn định vì đa số những danh mục của quỹ đầu tư ủy thác đều khá an toàn và được phân tích một cách kỹ lưỡng.
- Khả năng sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm: Khi gửi tiết kiệm, nếu thị trường phát triển thì mức lãi suất mà bạn nhận được vẫn sẽ cố định, không thay đổi dựa trên giá trị của số tiền ban đầu. Còn đối với ủy thác đầu tư chứng khoán, nếu thị trường đi lên thì lợi nhuận bạn nhận được cũng tăng và nó thường cao hơn so với lãi suất ngân hàng.
- Tăng hiệu quả sử dụng vốn đối với doanh nghiệp: Trong trường hợp bên ủy thác là một doanh nghiệp cụ thể, số vốn đó sẽ được tối ưu hiệu quả thông qua hoạt động đầu tư gián tiếp vào các danh mục đem lại lợi nhuận cao.
2. Nhược điểm
Hình thức ủy thác đầu tư chứng khoán có một vài nhược điểm như sau:
- Rủi ro thua lỗ: Không thể đảm bảo chắc chắn bên nhận ủy thác sẽ đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vậy nên việc lựa chọn nhầm công ty còn non trẻ trong việc quản lý đầu tư chứng khoán có thể sẽ mang đến kết quả không tốt, thậm chí là thua lỗ.
- Nhà đầu tư không có quyền kiểm soát: Sau khi đã ủy thác, nhà đầu không có quyền ra quyết định hoặc can thiệp vào quá trình đầu tư và sử dụng tiền đã bàn giao cho bên nhận ủy thác.
- Khó có thể thu hồi vốn đột ngột: Vì không phải người trực tiếp đầu tư và kiểm soát các dòng tiền nên nếu hoạt động của bên nhận ủy thác không tốt sẽ khiến bạn khó lấy lại tiền vốn.
- Lợi nhuận có thể không cao: Việc ủy thác đầu tư chứng khoán thường ưu tiên hạn chế rủi ro cho bên ủy thác nên đây có thể không phải là lựa chọn hàng đầu cho những người ưa thích mạo hiểm và mong muốn kiếm được lợi nhuận “khủng”.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về ủy thác đầu tư chứng khoán. Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc đóng góp nào cho chủ đề thì bạn hãy để lại bình luận nhé! Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc & Phan Khánh Linh