Bất cứ một loại tiền tệ nào cũng cần phải có một nơi lưu trữ an toàn để phòng tránh thất thoát hoặc mất cắp cho chủ sở hữu, kể cả với tiền điện tử. Vậy, tiền điện tử được lưu trữ như thế nào? Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết về ví tiền điện tử nhé!
Ví tiền điện tử là gì?

Ví tiền điện tử/kỹ thuật số là thuật ngữ ám chỉ đến một loại ví tiền ảo, chính xác hơn là ví tiền mã hóa (cryptocurrency wallet). Đây là một loại ví lưu trữ khóa công khai (public key) và khóa riêng tư (private key) dùng để xác minh quyền sở hữu hoặc thực hiện các giao dịch tiền mã hóa. Điều đó có nghĩa là các loại tiền mã hóa sẽ không nằm ở trong ví, mà hoàn toàn được lưu trữ trong một cuốn sổ cái phân tán công khai được gọi là công nghệ blockchain.
Ngoài chức năng lưu trữ các khóa của chủ sở hữu, ví tiền điện tử còn được dùng để mã hóa hoặc tạo chữ ký số. Nghĩa là khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào, ví tiền điện tử sẽ ký thông tin xác thực để bảo mật an toàn cho giao dịch đó.
Phân loại ví tiền điện tử
Ví lưu trữ tiền điện tử có thể là một thiết bị, phương tiện vật lý hoặc một chương trình. Trong đó, các ví tiền điện tử được phân loại như sau:
1. Ví tập trung (centralized wallet)
Ví tiền điện tử tập trung được lưu trữ trên các máy chủ từ xa và hoạt động 24/24. Nó cho phép bạn truy cập blockchain thông qua giao diện trình duyệt web mà không cần tải xuống hoặc cài đặt bất kỳ phần mềm nào. Một số ví tập trung tiêu biểu bao gồm: Binance, Kucoin, Bitfinex,… cho phép người dùng tham giao dịch trực tiếp trên sàn khi đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu mà không cần phải nhớ khóa riêng tư.
Ưu điểm:
- Không cần phải tạo ví, chỉ cần tạo tài khoản đăng nhập trên sàn.
- Dễ dàng thực hiện giao dịch mà không cần cài đặt phần mềm hoặc ứng dụng.
Nhược điểm:
- Khả năng bảo mật chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ của sàn giao dịch. Chắc chắn không thể tốt bằng ví phi tập trung.
- Tài sản của người dùng hoàn toàn ở trên sàn, rủi ro khó lường có thể xảy ra bất cứ lúc nào (ví dụ: sự sụp đổ của sàn FTX năm 2022).
2. Ví phi tập trung (decentralized wallet)
Vi phi tập trung được chia thành 2 loại như sau:
a. Ví mềm (software wallet)
Ví mềm (hoặc ví nóng) là loại ví phần mềm lưu trữ trực tuyến tiền điện tử trên Internet. Nếu người dùng muốn sử dụng ví mềm, họ có thể truy cập, theo dõi và thực hiện các giao dịch ngay lập tức khi có kết nối mạng. Việc quản lý tài sản được diễn ra trên máy tính, điện thoại, máy tính bảng, laptop hoặc các thiết bị điện tử khác có thể kết nối Internet.

Do ví mềm có thể đăng ký hoàn toàn miễn phí và tiện lợi trong việc sử dụng nên sở hữu lượng người dùng đông đảo trên toàn thế giới.
Ưu điểm:
- Người dùng có thể giao dịch ở bất cứ đâu một cách nhanh chóng.
- Có thể được sử dụng để lưu trữ nhiều loại tiền điện tử.
- Có nhiều loại ví mềm miễn phí với độ tin cậy cao.
Nhược điểm:
- Khả năng bảo mật chưa tốt vì có thể bị hack thông qua Internet.
- Người dùng cần phải kết nối mạng để sử dụng.
b. Ví cứng (hardware wallet)
Ví cứng (hoặc ví lạnh) là loại ví phần cứng lưu trữ dữ liệu trên một thiết bị có thể cầm nắm và mang đi được. Đối với ví cứng, người dùng phải sở hữu một thiết bị lưu trữ chuyên dụng và kết nối Internet mỗi khi cần dùng.

Ví cứng có thể phòng tránh những khả năng bị tấn công mạng từ mối đe dọa trực tuyến và cung cấp cho các nhà đầu tư dài hạn một giải pháp lưu trữ an toàn.
Ưu điểm:
- Ví cứng có tính bảo mật cao và có thể phòng tránh những cuộc tấn công của hacker thông qua kết nối mạng.
- Ví cứng có chứa chip Secure Element, giúp bảo vệ khỏi tin tặc tấn công hoặc các chương trình độc hại.
- Ví cứng luôn hoạt động ở chế độ offline, không cần kết nối Internet. Người dùng chỉ cần bật chế độ trực tuyến khi thực hiện các giao dịch.
Nhược điểm:
- Giá thành khá cao.
- Tốc độ và hiệu suất giao dịch của ví chậm hơn.
- Có thể bị hư hỏng, thất lạc hoặc mất cắp.
c. Ví giấy (paper wallet)
Ví giấy là một loại lưu trữ ngoại tuyến phi tập trung. Nó cho phép người dùng lưu trữ và quản lý tiền điện tử của mình mà không cần sử dụng tài khoản đăng nhập. Thay vào đó, người dùng sẽ in và ghi các khóa của mình trên một tờ giấy cùng với mã QR. Khi muốn sử dụng, người dùng sẽ quét mã QR này từ thiết bị của mình để xác nhận khóa cá nhân và tiến hành giao dịch.

Ưu điểm:
- Vì không được lưu trữ trên bất kỳ thiết bị nào nên không cần phải kết nối Internet, đồng nghĩa với việc nó không thể bị hack (trừ khi người dùng bị lộ khóa riêng tư). Cho nên đây được coi là hình thức lưu trữ khóa an toàn nhất.
- Tiết kiệm chi phí, không cần phải mua ví cứng vẫn có thể lưu trữ an toàn.
Nhược điểm:
- Không tiện lợi vì luôn phải cầm theo ví giấy và thực hiện nhiều thao tác trong giao dịch.
- Vì là giấy nên nó dễ bị hư hỏng hoặc đánh mất.
- Khó backup dữ liệu vì các thông tin đều được lưu trữ trên giấy, cần phải dùng phần mềm khác đễ hỗ trợ việc này.
Cách thức vận hành của ví tiền điện tử

Ví tiền điện tử hoạt động giống như một tài khoản ngân hàng nhưng vẫn có một chút khác biệt. Cụ thể, ví tiền điện tử chỉ được dùng để lưu trữ các khóa bảo mật của người dùng cho nên số tiền của chủ sỡ hữu sẽ không có sẵn trong trong đó. Điều đó có nghĩa là ví tiền điện tử thực chất là một chương trình, phần mềm hoặc thiết bị dùng để tương tác với hệ thống blockchain của mỗi đồng tiền. Khi một ví crypto được tạo, các tính năng của nó bao gồm:
- Khóa công khai (public key): đóng vai trò như một địa chỉ để nhận tiền, tương tự như số tài khoản ngân hàng. Bất kỳ ai cũng có thể chuyển tiền vào địa chỉ công khai này. Tuy nhiên, nó này sẽ không cho người gửi biết chính xác chủ sở hữu là ai.
- Khóa riêng tư (private key): dùng để truy cập vào ví và thực hiện các hành động như chuyển tiền, tạo chữ ký số, xem lịch sử giao dịch,… Khóa riêng tư là duy nhất và không thể thay đổi được cho nên nếu người dùng quên hoặc mất nó thì số tiền điện tử của họ sẽ không xác định được chủ sở hữu. Điều đó có nghĩa là họ sẽ bị mất số tiền đó vĩnh viễn.
- Cụm mật khẩu (passphrase): đây cũng có thể coi là một loại khóa riêng tư đã được mã hóa dùng để hỗ trợ người dùng đăng nhập hoặc mang lại sự an toàn khi sử dụng ví trong giao dịch. Cấu trúc của passphrase thông thường sẽ có từ 12 cho đến 24 ký tự ngẫu nhiên. Do đó, tùy thuộc vào kỹ thuật giải mã hoặc cơ chế của từng ví mà cụm mật khẩu sẽ tạo ra các ký tự riêng biệt.
TOP 10 ví lưu trữ tiền điện tử tốt nhất hiện nay
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều ví lưu trữ tiền điện tử cả phần mềm và phần cứng nhưng không phải loại nào cũng có thể sử dụng tốt. Đối với một loại tài sản có giá trị lớn như thế này, bạn nên lựa chọn những ví tiền điện tử uy tín, an toàn và được nhiều người tin dùng.
1. Trust Wallet

Trust Wallet là ví crypto được các chuyên gia có kinh nghiệm khuyên dùng vì nó thuộc về Binance – sàn giao dịch uy tín nhất hiện nay. Trust Wallet hỗ trợ khách hàng mua bán, lưu trữ, thu thập NFT và theo dõi giá cả các đồng crypto trên thị trường.
Bên cạnh đó, ví crypto này được hỗ trợ trên máy tính và điện thoại, Binance sẽ chi trả bảo hiểm cho bạn khi Trust Wallet bị hỏng hoặc bị hack.
Ưu điểm:
- Chi phí thấp.
- Dễ sử dụng.
- Tính bảo mật cao.
- Hoàn toàn miễn phí.
- Có hỗ trợ tiếng Việt.
Nhược điểm:
- Tất nhiên, tính bảo mật của Trust Wallet vẫn kém hơn so với ví cứng.
- Nếu trao đổi không thành công, tài sản của người dùng cũng có thể bị mất.
2. Ví Brave

Brave là một ví tiền điện tử đa chuỗi an toàn, không cần phần mở rộng. Sau khi tạo, người dùng không cần phải cài extension trên tình duyệt mà vẫn có thể truy cập vào ví. Điều này giúp hạn chế việc bị tấn công từ các ứng dụng giả mạo, lừa đảo và trộm cắt.
Ngoài các chức năng giao dịch, ví Brave cũng hỗ trợ các nhà đầu tư theo dõi dữ liệu thị trường trực tiếp, lịch sử giao dịch và tiềm năng của hàng trăm loại tiền điện tử khác nhau.
Ưu điểm:
- Tính bảo mật cao.
- Hoàn toàn miễn phí.
- Phổ biến tại Việt Nam.
- Có hỗ trợ tiếng Việt.
Nhược điểm:
- Chỉ hỗ trợ trên máy tính và trình duyệt.
- Tính năng vẫn còn một vài điểm hạn chế.
3. Exodus Wallet
Exodus là một ví tiền điện tử hỗ trợ nhà đầu tư quản lý và trao đổi hơn 260 loại tiền điện tử và NFT trên trình duyệt web, điện thoại, máy tính hoặc ví phần cứng (ví lạnh). Exodus có giao diện thân thiện, dễ sử dụng cho người mới bắt đầu và đầy đủ các tính năng cần thiết của một ví tiền điện tử.
Ngoài việc người dùng có thể trao đổi tiền điện tử với nhau, Exodus còn tích hợp cả sàn ShapeShift hỗ trợ người dùng giao dịch nhiều loại tài sản số khác nhau, bao gồm cả coin, token và NFT.
Ưu điểm:
- Giao diện thân thiện, dễ sử dụng cho người mới.
- Có tích hợp ShapeShift giúp người dùng dễ dàng trao đổi các loại tài sản số khác nhau.
Nhược điểm:
- Dễ bị tấn công nếu máy tính có chứa virus hoặc mã độc.
- Bảo mật chưa đầy đủ, thiếu xác thực 2 bước.
4. Ví Blockchain.com
Blockchain.com là một công ty dịch vụ tài chính tiền điện tử đầu tiên bắt đầu khai phá công nghệ blockchain và đã tạo ra ví lưu trữ chiếm đến 28% giao dịch Bitcoin từ năm 2012 đến năm 2020. Ngay cả khi một người không am hiểu về các loại ví tiền điện tử thì có thể họ vẫn biết về blockchain vì nó rất phổ biến.
Ngoài ra, công ty cũng không có quyền kiểm soát dữ liệu ví, mỗi người dùng đều truy cập bằng khóa riêng tư và phải tự bảo mật tiền điện tử của mình. Vì lý do đó, Blockchain.com được coi là một trong những ví mềm có tính bảo mật tốt nhất trên thế giới.
Ưu điểm:
- Khá an toàn, ví Blockchain.com sử dụng xác thực 2 yếu tố và chống thay đổi hoặc giả mạo thông tin.
- Ví tiền điện tử này hoàn toàn do người dùng kiểm soát.
- Hỗ trợ sao lưu dữ liệu, bảo vệ tiền của các nhà đầu tư.
- Tích hợp nhiều tính năng, bao gồm cả chuyển tiền quốc tế.
- Dễ sử dụng.
- Hỗ trợ nhiều loại tiền điện tử khác nhau.
Nhược điểm:
- Đòi hỏi người dùng phải có kiến thức cơ bản vì ví tiền điện tử này khá phức tạp khi muốn nâng cao khả năng bảo mật.
- Phí giao dịch cao.
5. Coinbase Wallet

Điểm vượt trội của ví Coinbase là mức độ phủ biến của hệ thống này có trên hơn 100 quốc gia tại nhiều châu lục. Nhờ đó, khả năng giao dịch và tốc độ cập nhật của ví tiền điện tử này là rất tốt.
Ngoài lưu trữ các đồng coin và token, Coinbase còn hỗ trợ nhà đầu tư trong việc sưu tập các sản phẩm NFT, giúp họ khái thác sức mạnh của DeFi để kiếm lợi nhuận từ bộ sưu tập của chính mình.
Ưu điểm:
- Ví Coinbase cho phép nhà đầu tư lên lịch cụ thể cho các giao dịch tiền điện tử hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng.
- Hỗ trợ trên cả máy tính (trình duyệt) và điện thoại.
- Tính bảo mật cao, được đông đảo người sử dụng.
- Sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ nhì trên thế giới (chỉ xếp sau Binance).
Nhược điểm:
- Phí giao dịch cao.
- Do là một ví lưu trữ uy tín nên Coinbase thực hiện cấm một số loại tiền mã hóa không xác định được tính tin cậy.
6. Ledger Nano series

Ví lạnh Ledger được nhiều nhà đầu tư tin dùng vì chúng kích thước nhỏ gọn tiện lợi (kích thước chỉ bằng một chiếc USB) và hỗ trợ đồng thời tới 100 app lưu trữ tiền điện tử khác nhau.
Khi sử dụng ví, người dùng sẽ được sử dụng phần mềm Ledger Live do hãng sản xuất phát triển, nó thể chuyển đổi, swap coin và token trực tiếp (hỗ trợ hơn 5500 token khác nhau).
Ưu điểm:
- Bảo mật cao, an toàn khi kết nối với máy tính.
- Thiết kế nhỏ gọn với kích thước chỉ bằng một chiếc USB.
- Độ bền cao với thiết kế vỏ kim loại.
- Giá thành rẻ.
Nhược điểm:
- Phải kết nối với máy tính khi sử dụng.
- Xuất hiện nhiều trang web giả mạo, lừa đảo khách hàng.
7. Trezor Model series
Ví phần cứng Trezor là giải pháp lưu trữ bảo mật cho các đồng tiền điện tử, quản lý tài sản thông qua ứng dụng trên cùng một hệ sinh thái. Đặc tính của ví Trezor là so với các ví phần cứng khác thì khả năng lấy lại mật khẩu cho người dùng bị mất sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, ví Trezor còn được thiết kế với một màn hình cảm ứng (có trên sản phẩm cao cấp của hãng) giúp người dùng có thể sử dụng ngay cả khi chưa kết nối với máy tính. Do đó, giá bán của ví Trezor thường khá cao so với những loại nhỏ gọn khác như Ledger.
Ưu điểm:
- Tính năng bảo mật cao.
- Được thiết kế với một màn hình cảm ứng tiện lợi cho việc sử dụng.
- Không mất phí giao dịch trên ứng dụng Trezor Suite.
- Nếu quên mật khẩu, người dùng có thể khôi phục nó rất dễ dàng.
Nhược điểm:
- Giá cao hơn so với các ví phần cứng khác.
- Yêu cầu một thiết bị trung gian như máy tính hoặc điện thoại, do đó nếu bị hỏng thì người dùng không thể truy cập vào ví.
8. Crypto.com DeFi Wallet

Crypto.com là một công ty trao đổi tiền điện tử có trụ sở tại Singapore. Sản phẩm lưu trữ của họ được coi là một trong những ví tiền điện tử uy tín nhất trên thế giới, người dùng hoàn toàn kiểm soát những đồng coin của mình mà công ty không có quyền can thiệp. Do đó, khả năng bảo mật của ví là rất tốt, hạn chế rủi ro từ bên thứ 3 và có thể thiết lập xác thực 2 bước trước khi giao dịch.
Ngoài các chức năng quản lý và giao dịch coin hoặc token, Crypto.com còn cho phép người dùng dễ dàng xem, chia sẻ, thu thập các sản phẩm NFT trên nhiều blockchain khác nhau. Do đó người dùng hoàn toàn có thể kiếm tiền thông qua nền tảng này.
Ưu điểm:
- Mức độ bảo mật và an toàn cao.
- Hỗ trợ nhiều loại tiền điện tử khác nhau.
- Dễ sử dụng, giao diện thân thiện với người dùng.
Nhược điểm:
- Phí giao dịch cao.
- Thiếu linh hoạt đối một loại tiền mã hóa khó quản lý.
9. Ví MetaMask

MetaMask là một ví tiền điện tử phần mềm được sử dụng để tương tác với các blockchain thông qua tiện ích trình duyệt hoặc ứng dụng di động. Ban đầu, MetaMask chỉ được thiết kế để tương tác với blockchain của Ethereum và trao đổi các token với nhau. Sau đó, nó được mở rộng hơn để tương với các ứng dụng phi tập trung (dApp) và lưu trữ khóa tài khoản dùng để trao đổi các loại tiền điện tử.
Ưu điểm:
- Dễ sử dụng, phổ biến trên toàn thế giới.
- Hỗ trợ nhiều loại token khác nhau dựa trên nền tảng blockchain của Ethereum.
- Tính bảo mật cao.
Nhược điểm:
- Chỉ hoạt động khi cài extension cho Chrome.
- Tốn nhiều tài nguyên máy tính khi sử dụng trình duyệt.
10. Ví Bitcoin Paxful
Paxful là một ví lưu trữ Bitcoin xây dựng dựa trên nền tảng P2P (peer-to-peer) cho phép người dùng giao dịch với nhau một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, Paxful lưu trữ dữ liệu trên điện máy đám mây, tiền của người dùng sẽ được bảo mật an toàn ngay cả khi đã đánh mất thiết bị.
Ngoài các tính năng giao dịch, ví Paxful còn hỗ trợ rất nhiều phương thức thanh toán khác nhau bao gồm cả thẻ tín dụng và ví điện tử giúp người dùng có thể linh hoạt hơn trong việc trao đổi Bitcoin.
Ưu điểm:
- Cung cấp cho người dùng nhiều phương thức thanh toán.
- Bảo mật cao, an toàn trong giao dịch.
Nhược điểm:
- Phí giao dịch cao.
- Chỉ hỗ trợ cho giao dịch Bitcoin.
Như vậy là mình đã giới thiệu cho bạn những thông tin cụ thể về ví tiền điện tử, các loại ví lưu trữ và cách thức hoạt động của chúng. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn trong việc lựa chọn một ví lưu trữ tiền điện tử phù hợp. Chúc bạn thành công!
Tác giả: Nguyễn Công Phúc